Xuất khẩu nông nghiệp 9 tháng đạt 30 tỷ USD
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (gọi chung là ngành nông nghiệp) tháng 9/2019 ước đạt 3,5 tỷ USD. Lũy kế 9 tháng năm 2019, tổng kim ngạch ngành nông nghiệp đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản giảm 7,2%; nhóm thủy sản giảm 2%; nhóm lâm sản tăng 18%.
Trong 9 tháng, 5 thị trường lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta gồm: Trung Quốc chiếm 21,5%; Mỹ chiếm 21,2%; EU chiếm 11,9%; ASEAN chiếm 9,6% và Nhật Bản chiếm 8,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành đạt 23,16 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Như vậy, thặng dư thương mại của toàn ngành 9 tháng đạt gần 7 tỷ USD.
Kim ngạch gạo và nhiều nông sản sụt giảm
Trong tháng 9/2019, cả nước xuất khẩu 586 nghìn tấn gạo, thu về 251 triệu USD. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu gạo ước đạt 5,2 triệu tấn và 2,24 tỷ USD; tăng 5,9% về lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 36,1% thị phần, tăng gấp 2,9 lần về lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng mạnh vào các thị trường: Úc tăng 75,2%; Bờ Biển Ngà tăng 57,1%; Iraq tăng 34,8%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 34,7%; Tanzania tăng 34,1% và Ả rập xê út tăng 27%. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 quý đầu năm 2019 đạt 435 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu thụ ảm đạm nên giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp gần 12 năm qua.
Xuất khẩu rau quả tháng 9/2019 ước đạt 295 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 9 tháng lên 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần và giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Kim ngạch rau quả giảm là do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như nhãn giảm 43%; sầu riêng giảm 20,2%; dừa giảm 30,8%; dưa hấu giảm 26,3%; chôm chôm giảm 7,3%; mộc nhĩ giảm 49,4%; nấm hương giảm 46,6%; ớt giảm 44,8%; khoai lang giảm 39,5%.
Ở mặt hàng cà phê, xuất khẩu tháng 9/2019 ước đạt 81 nghìn tấn với kim ngạch đạt 143 triệu USD; lũy kế 3 quý ước đạt 1,25 triệu tấn và 2,15 tỷ USD, giảm 13,3% về lượng và giảm 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Mỹ tiếp tục duy trì vị trí hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt, với thị phần lần lượt chiếm 13,5% và 8,8%.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 1.709 USD/tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018. Giá giảm chính là yếu tố dẫn đến suy giảm xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá cà phê có dấu hiệu khởi sắc hơn do nguồn cung cà phê của Việt Nam giảm và tồn kho thấp.
Với mặt hàng tiêu, xuất khẩu tháng 9/2019 ước đạt 14 nghìn tấn và kim ngạch đạt 34 triệu USD; đưa kết quả xuất khẩu 9 tháng lên 232 nghìn tấn và 590 triệu USD, tăng 21,8% về lượng nhưng giảm 7% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 2.547 USD/tấn, giảm đến 23,5% so với cùng kỳ. Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, chiếm 18,1% thị phần; tăng 16% về lượng nhưng giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 9/2019, xuất khẩu điều nhân ước đạt 42 nghìn tấn với kim ngạch 290 triệu USD. Lũy kế 3 quý, xuất khẩu hạt điều đạt 328 nghìn tấn và 2,4 tỷ USD, tăng 20,9% về lượng nhưng giảm 5,5% về giá trị so với cùng kỳ.
Điểm sáng là xuất khẩu chăn nuôi, lâm sản và cao su
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9/2019 ước đạt 733 triệu USD. Lũy kế 3 quý, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 56,8% tổng giá trị kim ngạch thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Đài Loan tăng 13,1%, Trung Quốc tăng 11,2% và Mexico tăng 10,6%.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm có thể khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018 do thủy sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng. Nguyên nhân do công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa.
Ngoài ra, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ đến giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm và cả năm 2019.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, điểm sáng lớn nhất trong xuất khẩu là ngành hàng chăn nuôi và nhóm lâm sản. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 9/2019 tiếp tục đạt kết quả ấn tượng với kim ngạch 67 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu nhóm hàng này 9 tháng đạt 529 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tháng đầu năm đạt 7,932 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ 2018. Xuất khẩu cao su 9 tháng ước đạt 1,12 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,53 tỷ USD, tăng 8,9% về lượng và tăng 7,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Chu Khôi/VnEconomy
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo