Xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc: Phải thay đổi từ tư duy
Xuất khẩu sắn đối mặt cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan / Xuất khẩu gạo 8 tháng đạt 2 tỷ USD, giảm gần 15% về giá trị
Quy định chặt chẽ về mã số vùng trồng
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2019 kim ngạch XK rau, quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông thủy sản của Việt Nam lớn nhất, đặc biệt với rau, quả Việt Nam XK. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc thực thi nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, XK rau, quả của Việt Nam có xu hướng sụt giảm.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, XK rau, quả của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó bản chất nằm ở mã số vùng trồng chứ không hẳn là do vấn đề chất lượng. Cụ thể, trong tất cả trái cây và nông sản XK sang Trung Quốc, phía Trung Quốc yêu cầu phải có mã vùng từ 6 - 12 ha/trồng 1 loại cây, và phải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không trồng xen các loại cây khác vào. Nhưng hiện, trái cây của Việt Nam gần như chưa có loại nào đạt được 10 ha liền vùng, liền thửa và trồng cùng một loại cây. “Những cây ăn quả, cây lâu năm không thể trong “năm một, năm hai” có thể giải quyết được mà ít nhất phải mất thời gian 3 năm mới đáp ứng được yêu cầu này” - ông Thủy phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, thói quen “đổ” cho phía Trung Quốc gây “khó, dễ” cho XK rau quả của Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung là không đúng. Tất cả những thay đổi từ phía Trung Quốc đối với mặt hàng nhập khẩu trong đó có trái cây, phía Trung Quốc đã thông báo cách đây 1 năm. “Việc đổ lỗi sẽ nảy sinh tâm lý chúng ta là nạn nhân, dẫn đến việc DN và nông dân không có tư tưởng cải tiến và tiếp thu cái mới. Do đó, phải coi mình là một người bán hàng, một người tranh giành về thị trường thì mới có thể thích nghi” - ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2019 đến nay, việc XK các loại quả được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu của Việt Nam diễn ra tương đối thuận lợi, có những mặt hàng XK khá tốt. Hiện nay, với các loại trái cây đã được Trung Quốc cho phép nhập khẩu, phía Trung Quốc cho phép doanh nghiệp Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.
Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Do đó, việc các DN, người dân cần làm là bảo đảm sản xuất an toàn, có mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng sớm đăng ký mã số rồi đăng ký với hải quan Trung Quốc theo quy định để tạo thông quan thuận lợi.
Đơn cử, năm 2018, lần đầu tiên Tuần nhãn và nông sản an toàn được tổ chức tại Trung tâm trải nghiệm hoa quả - Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Tại đây, người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao chất lượng các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La, đặc biệt là quả nhãn Sơn La có chất lượng tốt, quả ngọt, mẫu mã đẹp. Các cơ quan chức năng phía bạn cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để giúp tiêu thụ nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng sang thị trường Trung Quốc. Sau sự kiện này, năm 2019, xác định Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của Sơn La, các hoạt động xúc tiến XK nông sản, trái cây sang Trung Quốc đã liên tục được tổ chức.
Tạo thêm nhiều diện tích trồng rau, quả theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP |
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ, XK nông sản an toàn tỉnh Sơn La sang thị trường Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn diễn ra tháng 6/2019, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - cho biết, Trung Quốc đánh giá cao những đầu tư tích cực của tỉnh Sơn La trong việc giao lưu địa phương và hợp tác thương mại nông sản ở 2 nước. “Nông sản Sơn La đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc nên hai bên cần tăng cường giao lưu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng nông sản nổi tiếng, cùng nhau thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ nông sản mang lại lợi ích kinh tế cho hai nước” - ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định. Nhờ đó, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 10.000 tấn xoài, nhãn, chuối và 30.000 tấn bột sắn của tỉnh Sơn La được XK sang thị trường Trung Quốc với giá trị hàng trăm triệu USD.
Việc quy định mã số vùng trồng sẽ bảo đảm đủ số lượng, chất lượng hàng hóa XK ổn định, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, chống xâm nhập dịch bệnh ngoại lai, góp phần từng bước chính quy hóa công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu nhằm phát triển thị trường một cách bền vững. Vậy cần phải làm gì để thích ứng với cuộc chơi mới từ thị trường? Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhắc lại bài học từ chính Sơn La, với việc ưu tiên phát triển nông trại, gia trại, trang trại, từ đó xây dựng vùng sản xuất độc lập, liền vùng liền thửa, sự kết nối của địa phương với DN trong phát triển chuỗi giá trị cung ứng, liên kết.
Cũng theo vị chuyên gia này, về lâu dài cần phải tích tụ đất đai, nhưng trước mắt cần tổ chức liên kết lại sản xuất, các HTX phải có đủ diện tích để đáp ứng được yêu cầu về mã vùng trồng, phải thực hành sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP, đồng thời tăng cường năng lực đàm phán, giao thương giữa Bộ và ngang Bộ để mở lối cho các sản phẩm trái cây XK chính ngạch.
Hiện Việt Nam đã có 9 loại trái cây được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và mới đây là măng cụt.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Quy định mã số vùng trồng để chủ động hơn về thị trường