Thị trường

Xuất khẩu sang Canada hưởng lợi nhờ "đòn bẩy" CPTPP

DNVN - Sau 5 năm thực thi CPTPP, Canada được coi là thị trường “tỷ đô” của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước thành viên CPTPP.

Chuyên gia phân tích về vai trò động lực của đầu tư công hiện nay / Ngân hàng hụt hơi lợi nhuận

"Đòn bẩy" CPTPP

Canada hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Canada, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch trong năm 2022 so với năm 2021.

Theo bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada, sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng hơn gấp đôi từ 4,1 tỷ USD năm 2018 lên 9,9 tỷ USD trong năm 2022. Sau 5 năm thực thi CPTPP, đây là thị trường tỷ đô có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP.

Giải thích nguyên nhân tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, bà Quỳnh cho rằng, trước hết là cấu trúc nội tại của thị trường Canada. Đây là thị trường có sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nhóm mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, gỗ.

Canada cũng là nước có tốc độ tăng dân số mạnh nhất khối G7, với trung bình mỗi năm khoảng 500 - 1 triệu người nhập cư mới trong độ tuổi tiêu dùng mạnh mẽ.


Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 26,4% về giá trị kim ngạch trong năm 2022 so với năm 2021.

Đặc biệt với 300.000 kiều bào, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại đây cùng với khoảng 7 triệu người gốc Đông Nam Á, Canada là thị trường rất tiềm năng đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam cho đến nay đang được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo GSP, MFN và CPTPP. Thực tế cho thấy, sau CPTPP, xuất khẩu những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như điện thoại, điện tử, điện máy, rau củ quả, gạo, hạt điều, cà phê… sử dụng hình thức ưu đãi nào tại địa bàn cũng tăng đột biến.

“Có những mặt hàng xuất khẩu tăng trên 1.000 % cho thấy CPTPP thực sự có tác dụng đòn bẩy trước hết giúp 2 nước quan tâm hơn đến cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm của nhau. Từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam nhờ hiệu ứng lan toả cũng như nhờ sự phát triển hơn nữa của chuỗi cung ứng vận tải và logistics giữa hai nước.

Bà Quỳnh cho rằng, nguyên nhân cuối cùng là hàng hoá Việt Nam đã chinh phục được thị trường tiêu chuẩn cao này nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, đa dạng chủng loại, và khả năng bảo đảm yêu cầu về bao bì.

Ở thị trường Canada, các DN Việt Nam cũng dần được biết đến như những nhà cung cấp đáng tin cậy, có khả năng hoàn thành các đơn hàng khó, đơn hàng cao cấp với những yêu cầu cao về thời gian giao hàng, sẵn sàng thực hiện các đơn hàng có khối lượng nhỏ.

"Một yếu tố cũng thuận lợi nữa giúp hàng xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh sang địa bàn là việc DN và người dân Canada ngày càng ưa chuộng hàng hoá Việt Nam và muốn tìm đến Việt Nam như nguồn cung thay thế, đa dạng hoá mặt hàng và giảm rủi ro phụ thuộc vào một đối tác trong bối cảnh Canada có xung đột ngoại giao không chỉ với Trung Quốc mà giờ còn với cả Ấn Độ", bà Quỳnh cho biết thêm.

Doanh nghiệp cần lưu ý xu hướng "near sourcing"

Tuy nhiên, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada lưu ý, ngay từ năm 2015 khi cam kết CPTPP, Canada đã đưa ra mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sản xuất nhiều hơn, tốt hơn nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn.

Mục tiêu này cũng gắn với vấn đề chuyển đổi năng lượng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm tác động về môi trường, bảo vệ môi trường sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Ngoài chính sách khuyến khích sử dụng xe điện và các phương tiện không phát thải trong sản xuất và tiêu dùng của các mặt hàng khác thì Canada đều khuyến khích nâng cao vòng đời sản phẩm, tái sản xuất, tái tân trang, tái chế và tái sử dụng.

Tại Canada, từ Chính phủ đến người dân đều phải có trách nhiệm giảm dấu chân carbon trong mọi hoạt động, nhất là trong quy định tiêu dùng.

Vì vậy, phong trào tiêu dùng sản phẩm nội địa, việc phản đối các sản phẩm nhập khẩu phải vận chuyển xa và tốn kém cũng đang lan toả khá nhanh. Các DN nhập khẩu của Canada cũng có xu hướng thay thế các sản phẩm cùng loại nhập ở xa bằng cách tìm các nguồn cung từ những nước láng giềng Nam Mỹ.

“Như vậy, có thể nói xu hướng near sourcing (dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ), ngoài vấn đề an ninh ra còn là vấn đề về môi trường, phát triển bền vững.Chính vì sự thay đổi trong chính sách, lộ trình phát triển bền vững này buộc các DN ở Canada phải lựa chọn các đối tác sản xuất và nhập khẩu có cùng những mối quan tâm và năng lực với mình. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với đối tác Canada cần phải xây dựng chiến lược phù hợp với các quy định mới của nước sở tại", bà Quỳnh chia sẻ.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm