Xuất khẩu sang châu Âu: Doanh nghiệp phải tập trung toàn lực làm báo cáo phát thải
Hơn 1 triệu USD cho dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính / Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Nặng về kiểm kê, kiểm soát
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, yếu tố “xanh” đang là vấn đề quan trọng số 1 đối với doanh nghiệp.
Vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào tập trung hoạt động theo nhu cầu của thị trường. Trong đó, thị trường đang đặt ra vấn đề xanh là số 1, chất lượng là số 2, giá cả là số 3. Lâu nay doanh nghiệp chú ý nhiều đến vấn đề chất lượng, cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Bây giờ nếu không “xanh” thì chất lượng và giá cả không giải quyết được vấn đề thị trường.
“Châu Âu bắt đầu quy định từ năm 2026 tất cả các hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu đều phải báo cáo chất thải khí nhà kính. Doanh nghiệp không có báo cáo thì không thể xuất khẩu sang thị trường này.
Như vậy, toàn bộ hệ thống sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu gắn liền với chất lượng, tiết kiệm chi phí nếu không có báo cáo về chất thải khí nhà kính sẽ trở nên vô nghĩa vì không thể xuất khẩu”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, điều này giống như khi chúng ta ra chợ bán thịt, khách hàng cần thịt sạch nhưng mình không cung cấp được thịt sạch thì hàng mình không bán được. Yếu tố “xanh” đã trở thành vấn đề của thời đại – một thời đại kinh tế mới mà vấn đề “xanh” được đặt lên hàng đầu.
Điều này đồng nghĩa với việc phục hồi lại thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe con người, dẫn đến xu thế của toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Việt Nam không có cách nào khác. Xu thế này đặt ra cho doanh nghiệp rất nhiều tốn kém, thậm chí, có doanh nghiệp không có nhân viên chuyên nghiệp để giải quyết yếu tố “xanh”.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định của châu Âu về yếu tố “xanh” cũng như tìm kiểu kỹ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương về cách thống kê phát thải khí nhà kính. Điều này vô cùng quan trọng.
“Hiện thuế của châu Âu đánh vào phát thải khí nhà kính chưa cao, nhưng doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang đó bắt buộc phải có báo cáo về phát thải này. Báo cáo này phải được kiểm toán, giống như báo cáo tài chính. Cơ quan kiểm toán là cơ quan quốc tế thì châu Âu mới thích”, ông Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, hiện Việt Nam đã có hơn 60 doanh nghiệp có báo cáo phát thải khí nhà kính nhưng đây mới chỉ là báo cáo thí điểm, chưa được kiểm toán. Chất lượng báo cáo còn thấp, không vượt qua được kiểm toán châu Âu.
Doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam hiện được châu Âu thừa nhận báo cáo là Hòa Phát. Công ty này phải thuê một công ty tư vấn quốc tế lập báo cáo.
“Vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào phải nhanh chóng tập trung toàn bộ nguồn lực để làm báo cáo phát thải. Báo cáo này phải theo quy định của Chính phủ (nếu bán tại thị trường nội địa), theo quy định của châu Âu (nếu bán sang thị trường châu Âu)”, ông Nghĩa nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo