Xuất khẩu thủy sản: Chật vật về đích
Tôm, cá đều “mắc cạn”
Giá trị XK thủy sản tháng 9/2019 ước đạt 733 triệu USD, đưa giá trị thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018.
Sau khi nhích nhẹ trong tháng 8/2019, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tháng 9/2019 trở lại xu hướng giảm do cung tăng nhanh hơn cầu. Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), giá cá tra giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng bởi đầu ra XK chậm, nhất là XK cá tra sang Trung Quốc giảm đáng kể từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Hoa Kỳ cũng giảm mạnh.
Giá tôm nguyên liệu trong tháng 9/2019 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước do nguồn cung giảm. Nguồn cung tôm thẻ hiện ở mức thấp, trong khi nhu cầu tăng do thị trường XK có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, thời tiết khá thuận lợi, tình hình thị trường cung ứng tôm từ các nước nuôi tôm có sản lượng lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan đều tăng hơn năm 2018, ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vẫn đối diện với nhiều khó khăn
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, XK thủy sản 3 tháng cuối năm khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018 do thủy sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng. Nguyên nhân do công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa. Ngoài ra, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ đến giá trị XK thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm và cả năm 2019.
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - nhận định, năm 2019, xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến XK thủy sản của Việt Nam như xung đột thương mại, giá tăng cao và nhất là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng XK thủy sản. Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Trần Đình Luân cho hay, trước hết, các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp đến là các rào cản kỹ thuật của các thị trường XK ngày càng nhiều với quy định chặt chẽ hơn, trong đó yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm; cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt... Đặc biệt, tàu cá và ngư dân vẫn vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định IUU, trong khi các nước trong khu vực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử phạt. Đây là khó khăn lớn cần phải khắc phục ngay để việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) sớm được thực hiện…
Dù vậy, các DN ngành thủy sản vẫn kỳ vọng vào sự bứt phá những tháng cuối năm. Quý III/2019, giá tôm đã có sự cải thiện. Hiện nay, sản lượng tôm nuôi ở các nước lân cận cũng giảm mạnh; trong khi đó, các DN chế biến đang đẩy mạnh thu mua chuẩn bị hàng phục vụ dịp lễ, tết, thị trường cuối năm khiến giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng cao. Các DN cá tra cũng kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng trong những tháng cuối năm khi vào mùa cao điểm tiêu thụ thủy sản.
Dự báo, XK tôm cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018; XK cá tra đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng