Thị trường

Xuất khẩu tôm đang gặp nhiều thuận lợi, giá có xu hướng tăng cao

DNVN - Thị trường xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để tôm Việt Nam tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi.

Xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh nhất kể từ đầu năm / Xuất khẩu tôm có thể vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2021

Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022” diễn ra sáng 10/12, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: sản xuất, giá trị xuất khẩu (XK) tháng 10/2021 đã gần tương đương cùng kỳ năm 2020, ước kim ngạch đạt 4,25 tỷ USD.
Dự kiến xuất khẩu tôm cả năm 2021 sẽ cán đích ở mức gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và dự báo năm 2022 sẽ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD.
Đặc biệt thị trường xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi. Giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để tôm Việt Nam tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi.
Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022”
Để khai thác tốt cơ hội thị trường và vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Các đơn vị, địa phương phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.
“Chúng ta đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn. Chắc chắn trong những khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch COVID - 19, nông sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ vượt qua thách thức đạt sản lượng 980.000 tấn và xuất khẩu với 3,9 - 4,1 tỷ USD trong năm 2022”, ông Tiến nói.
Bà Lê Hằng, Trưởng Ban Biên tập Báo cáo xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng cần chú trọng đảm bảo an toàn cho sản xuất. Việc này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng là việc rất cần thiết.
“Cần theo dõi diễn biến tình hình thị trường cũng như năng lực các quốc gia là đối thủ cạnh tranh để chủ động và bước đi phù hợp thúc đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển bền vững”, bà Hằng khuyến nghị.
Trước xu hướng chuyển đổi số, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An đề xuất: Các viện nghiên cứu cùng Tổng cục Thủy sản làm sao phát triển được các phần mềm quản lý kỹ thuật nuôi tôm. Qua đây, người nuôi có thể ứng dụng và tìm kiếm được các giải pháp; các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả.
“Các thị trường kiểm soát rất chặt chẽ đối với tôm Việt Nam và chúng ta thường xuyên phải cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo việc kiểm soát vật tư và nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu để tránh việc dịch bệnh lây lan đối với tôm nuôi trong nước. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển các ứng dụng để nông dân cũng như doanh nghiệp truy cập nắm rõ yêu cầu của các thị trường”, ông Huy đề xuất.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm