Thị trường

Yếu tố nào có thể tạo áp lực lạm phát trong năm 2025?

DNVN - Áp lực lạm phát trong năm 2025 có thể đến từ nhiều yếu tố. Trong đó có sự khắc nghiệt của chính sách thuế từ chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên liệu và việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý.

CPI 11 tháng tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 / Tháng 1, CPI của cả nước tăng 1,94% so với cùng kỳ

Tổng cục Thống kê đánh giá áp lực lạm phát năm 2025 có thể đến từ xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường, có nguy cơ lan rộng. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Cùng đó, hiện tượng thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội toàn cầu. Điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải, tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới, gây ra các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Đặc biệt, các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng rất khắc nghiệt, dẫn đến các phản ứng trả đũa từ các quốc gia. Bảo hộ thương mại và rào cản thương mại gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều này có thể gây ra một đợt lạm phát mới, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trở lại.

Bảo hộ và rào cản thương mại được dự báo có thể làm gia tăng lạm phát năm 2025.

Ở trong nước, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất có thể tăng lên theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm. Từ đó, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát.

Ngoài ra, việc tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giá điện, học phí, giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025. Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, quy luật cho thấy, vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng. Trong năm, nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm