Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022
“Vượt qua nhiều khó khăn, toàn ngành công nghiệp tiếp tục khởi sắc giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 tăng 4,82% so với năm 2020. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng trong năm 2022”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Phó Thủ tướng chỉ đạo bình ổn thị trường vật liệu xây dựng / Giảm phí kinh doanh dịch vụ truyền hình hết năm 2022
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 (Nghị quyết số 128) của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020 (quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37% đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,21% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 5,7% và khí đốt tự nhiên giảm 19,4%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với năm trước bao gồm: kim loại tăng 22,1%; xe có động cơ tăng 10,2%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; khai thác than cứng và than non tăng 9%; dệt tăng 8,3%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 8,1%; sản xuất trang phục tăng 7,6%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128 nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới.
Cụ thể, hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực.
Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sản xuất đã khôi phục trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết. Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô…Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2022, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương thực hiện khoanh vùng nhỏ nhất, xử lý triệt để các ổ dịch.
Bên cạnh đó, từ 1/1/2022, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại và mở thêm, khách quốc tế có cơ hội đến Việt Nam và người Việt Nam có thể đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như: lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ...
Cùng với đó, việc mở rộng các hình thức vận chuyển (đường bộ và đường sắt), kết nối với thương mại quốc tế sẽ linh động hơn đối với cả hàng hóa và hành khách, ngành vận tải của Việt Nam cũng sẽ có kỳ vọng tăng trưởng cao trở lại.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Quang Dũng, CEO Eastern Sun cho rằng, chuyển đổi số sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế đất nước năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, tái cấu trúc và tiến hành áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số.
“Tuy nhiên, quá trình hồi phục kinh tế cũng như doanh nghiệp còn cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, như chính sách tài chính, đào tạo, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giải quyết bài toán an sinh xã hội”, ông Đào Quang Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo
Hoạt động sản xuất tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN