Kỳ 1: Nối dài danh sách người bị ung thư
Nước mắt Hồng Sơn
Thôn Bút Sơn, Hồng Sơn của xã Thanh Sơn, chẳng đâu xa nằm giáp ranh ngay thành phố Phủ Lý sầm uất. Thôn Bút Sơn trải dài, nép mình dưới chân dãy núi đá hình cánh cung, ven các ao hồ, còn thôn Hồng Sơn lại lọt thỏm trong thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi đá cao sừng sững.
Nhìn từ xa, bề ngoài hai thôn có vẻ cũng yên bình như những vùng quê khác. Nhưng phía trong là sự ám ảnh đeo bám về những cái chết vì căn bệnh ung thư. Đấy là nỗi thống khổ của người dân từ bao năm nay về một vùng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn của Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn và hơn mười công ty khai thác, nghiền đá xung quanh.
Nguyễn Văn Hòa năm nay ngoài bốn mươi tuổi, sống cùng hai con trong căn nhà cấp bốn ở một ngõ nhỏ của thôn Hồng Sơn, vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của người vợ hiền Nguyễn Thị Thu từ vài tháng nay vì căn bệnh ung thư, khi mới 42 tuổi.
Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đời cũ, manh chiếu trải tạm xuống nền nhà làm chỗ ngồi tiếp khách. Bản thân anh cũng không có việc gì làm ổn định. Sự nghèo nàn đang bủa vây gia đình anh.
Có lẽ, bao tiền của, anh đã dồn hết để chữa bệnh cho vợ, nhưng vợ anh vẫn bỏ ba bố con anh mà đi. Trong câu chuyện ngắt quãng, anh chẳng nói gì nhiều với chúng tôi, cũng không một lời than thân trách phận. Vẻ mặt đượm buồn, rít một hơi thuốc lào như cố giấu một tiếng thởi dài, anh hỏi một câu bâng quơ mà như chẳng cần câu trả lời: “Sao vùng này, nhiều người chết vì ung thư thế?!”.
Nỗi đau của gia đình anh Hòa cứ âm ỉ, gặm nhấm tâm can bao người trong xóm nhỏ vô tội. Không biết bao giờ nước mắt mới thôi âm thầm chảy ở đây khi mà còn quá nhiều người đang phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo? Dù sao thì họ vẫn sống, hy vọng vào tương lai tươi sáng. Mong sao họ được bình yên!
Vừa về sau đợt thứ tám truyền hóa chất điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn hai, tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà lúc nào cũng đóng cửa im lìm vì sợ khói bụi, chị Đinh Thị Liên vẫn giữ được vẻ bình thản, lạc quan, chống chọi với bệnh tật.
Chị sinh năm 1963, là nhân viên Công ty Dược Kim Bảng. Hơn 20 năm trước, chị được công ty phân công lên vùng kinh tế mới Hồng Sơn mở cửa hiệu bán thuốc Tây, làm công tác chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu cho bà con.
Khi đó vùng này còn hoang sơ, đường sá đi lại khó khăn. Nhà chị nằm ngay mặt đường, ở đầu thôn, chỉ cách vài chục bước chân là đến địa phận Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn.
Vì lẽ gì mà bị ung thư, chị Liên cũng chẳng biết nữa. Chị chỉ mơ hồ, có lẽ do sống trong vùng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và cả ô nhiễm nguồn nước nữa. “Đấy em thấy, ngồi trong nhà đóng cửa, buông rèm thế này mà bàn ghế vẫn phủ bụi trắng. Một ngày phải lau nhà cửa, bàn ghế, giường chiếu mấy lần mà vẫn cứ bụi”- Chị Liên cho biết.
Ở Hồng Sơn, người dân có thể kể vanh vách những người chết vì ung thư trong vài năm gần đây. Trường hợp chị Thu, chị Liên như nối dài thêm danh sách những người chết và mắc căn bệnh ung thư trong thôn.
Ông Đinh Khắc Huấn, trưởng thôn Hồng Sơn cho biết: “Từ Năm 2010 đến nay, trong thôn có hơn 40 người chết, đa phần chết do ung thư. Hiện thôn có khoảng 20 trường hợp mẹ hóa con côi, đều có chồng chết trẻ và có đến ba, bốn trường hợp đang mắc bệnh hiểm nghèo như chi Liên”.
“Ngõ bà góa"
Ở thôn Bút Sơn cũng có hàng chục người dân chết vì bệnh ung thư. Ông Nguyễn Xuân Đốc, Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng thôn Bút Sơn cho biết, hiện trong thôn có ba trường hợp ung thư phổi, gan bị bệnh viện trả về, đang điều trị tại nhà, không biết có qua khỏi không.
Trung bình nỗi năm, thôn có bốn đến năm trường hợp chết vì ung thư. Thậm chí, năm cao nhất đến hơn 10 người ra đi vì căn bệnh đang ám ảnh vùng quê này . Có gia đình chưa đầy một năm mà có đến ba người chết vì ung thư, trở thành nỗi đau, nỗi ám ảnh cho bao người.
Nỗi ám ảnh đeo bám đến mức nhiều người dân không dám đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sợ phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Lúc đó, kinh tế sẽ hao tổn, tinh thần suy sụp. Họ không dám đối mặt với cái chết được báo trước, với sự thật khủng khiếp nên cứ mặc cho số phận.
Cung cấp cho chúng tôi số liệu cũng như thông tin về gia cảnh của những người chết do căn bệnh ung thư trong thôn, ông trưởng thôn Nguyễn Xuân Đốc cứ thấy xót xa, đau đớn.
Chính bản thân ông cũng vẫn còn ảm ảnh về cái chết của người bạn thân đồng niên sinh năm 1969 Vũ Đức Hinh.
“Trước đây Hinh khỏe lắm. Hôm nó nằm viện, tôi lên thăm thấy người nó quắt lại, đau đớn, không ăn uống được gì, nhìn mà không kìm được nước mắt. Khi bệnh viện K trả về, gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi, ai mách ở đâu có bài thuốc hay là gia đình đi mua về cho uống, rồi cho ăn cả gan cóc cũng chẳng ăn thua. Năm ngoái đã bốc mộ Hinh rồi đây’- Ông Nguyễn Xuân Đốc buồn bã chia sẻ.
Còn đối với bà Vũ Thị Dền, đã hơn sáu năm trôi qua mà bà vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất chồng và hai con trai. Nỗi đau đớn cứ ám ảnh đeo bám bà đến tê dại trong lòng.
Bởi chỉ trong vòng mấy tháng mà chồng bà là ông Nguyễn Văn Chu và hai người con là Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Văn Tập đều lần lượt “ra đi” vì căn bệnh ung thư vòm họng, đại tràng và ung thư gan.
Giờ đã ngoài 70 tuổi, bà Dền tham gia công việc gom rác cho thôn, vừa là sự mưu sinh, vừa là tìm niềm vui bằng công việc có ý nghĩa, như mong đem lại chút bình yên, trong lành cho xóm làng.
Ám ảnh còn bủa vây ba gia đình ở cùng một ngõ là chị Nguyễn Thị Chín, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Thị Hường bằng cách gọi xót xa của người đời, "ngõ bà góa", khi chồng của các chị là Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Văn Diễn, Nguyễn Văn Lục lần lượt ra đi vì ung thư não, ung thư dạ dày.
Căn bệnh quái ác vẫn đang âm ỉ từng ngày, từng giờ ở Hồng Sơn, Bút Sơn, cướp đi nhiều sinh mạng của những người dân vô tội.
Qua tìm hiểu thì ở cả hai thôn chỉ có một vài người chết do bị tai nạn lao động khi khai thác đá trên núi, chết vì tệ nạn xã hội, còn lại đa phần là chết do mắc bệnh ung thư dạ dày, phổi, gan, máu, vòm họng...
Họ lần lượt qua đời ở tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 30 -50 tuổi, đều thuộc những hộ nghèo và cận nghèo. Người dân ở đây đang thật sự hoang mang khi số người chết vì ung thư ngày một nhiều, chết vì cùng một căn bệnh.
Nguyên nhân nào khiến ung thư đeo bám những xóm nghèo này như một lời nguyền? Phải chăng do họ sống trong vùng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nguồn nước như họ đã từng bức xúc phản ánh, kiến nghị với các cấp chính quyền ở địa phương? Cũng không biết nữa, nhưng có một sự trùng hợp là từ khi Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn hoạt động tại khu vực này, người dân phải sống chung với khói bụi, đã có nhiều người chết vì mắc bệnh ung thư...
Kỳ 2: Thôn xóm chìm trong khói bụi
End of content
Không có tin nào tiếp theo