Kỳ bí về bức tượng mẹ bồng con cảm động
Từ một tượng đá mọc lên có hình người mẹ mặc áo tứ thân bồng con dưới chân núi Nga (thôn Trung Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), đến nay người dân vẫn lưu truyền những câu chuyện kỳ bí đầy tính nhân văn.
Tích tiến sĩ báo hiếu
Câu chuyện về tượng đá mẹ bồng con đã quá quen thuộc với người dân Trung Sơn. Họ coi tượng đá này là vật báu “thiên tạo” che chở cho dân làng mạnh khoẻ, mùa màng bội thu.
Chính vì vậy, tượng đá mẹ bồng con này được rất nhiều người biết đến.
Câu chuyện ly kỳ này không phải ai cũng biết. Theo giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi ghé thăm cụ Lê Ngọc Kiệp (73 tuổi), người đang nắm rất rõ về sự tích trên.
Gặp chúng tôi, cụ Kiệp vui lắm. Cụ vui vì lại được kể về sự tích thiên tạo này cho mọi người nghe.
Cụ bảo, câu chuyện đã ăn sâu vào trí nhớ mình đến nỗi chỉ cần ai khơi nguồn là cụ “tuôn” ra hết. Rót chén nước chè mời khách, cụ trầm ngâm kể về sự tích “tiến sĩ báo hiếu mẹ hiền” cho chúng tôi nghe.
Tượng đá này có từ bao giờ đến nay cụ Kiệp cũng không biết rõ. Cụ chỉ biết rằng từ nhỏ đã thấy nó và được nghe ông bà kể lại về sự tích tượng đá này.
Chuyện kể lại: Xưa có người phụ nữ mất chồng, gia cảnh nghèo khó nhưng vẫn tảo tần sớm hôm nuôi con ăn học. Đến kỳ con đi thi, người phụ nữ ở nhà luôn mong nhớ đứa con. Một hôm, trong lần đi kiếm củi, đến đầu núi ngồi nghỉ ngơi người mẹ này đã lả dần rồi chết.
Người con sau khi đỗ tiến sĩ trở về quê cũ nghe mọi người kể về những nỗi vất vả của mẹ mình, chàng trai bật khóc. Thương mẹ, chàng trai khóc đến lả người rồi chết. Về sau, người dân phát hiện nơi hai mẹ con chết mọc lên gồ đá có hình người mẹ bồng con.
Từ đó, người dân xây dựng một ngôi chùa bên cạnh gọi là chùa Mẹ Sỹ. Theo ông Kiệp, vốn là điểm di tích “thiên tạo”, cái tên “Chùa Mẹ Sỹ” cũng được người dân lý giải, tức người mẹ này có con thi đậu tiến sĩ về báo hiếu và được một người địa phương có lòng hướng đạo xây dựng chùa và đặt nên cái tên này.
Ngoài cái tên “Chùa mẹ Sỹ”, trước kia người dân Trung Sơn còn gọi là “chùa mẹ Sẩy”.
Theo người dân ở đây, sở dĩ có tên chùa mẹ Sẩy xuất phát từ câu chuyện của một cô thôn nữ đi lấy chồng xa bị nhà chồng hắt hủi.
Vào một ngày nọ, cô thôn nữ bế con bỏ về quê mẹ. Nhưng khi chạy về đến đó, vì sợ sự đàm tếu của dân làng nên không dám về mà chỉ đứng từ góc núi xa xa nhìn về ngôi làng, rồi chết đi và hóa thành đá.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều câu chuyện khác nhau. Người lại cho rằng đây là tiếng địa phương được đọc lệch đi, từ mẹ sĩ thành mẹ sẩy.
Từ những câu chuyện trên, vào những năm 60, các cô gái trong làng đi lấy chồng chỉ một thời gian là khăn gói bỏ về nhà mẹ đẻ.
Lúc này người dân mới nghĩ rằng liên quan tới ngôi chùa và tượng mẹ bồng con. Cũng không ít người sùng bái về sự linh thiêng của ngôi chùa. Người có con gái lấy chồng lại cho rằng do tượng, chùa này mà ra nên họ đã đến đập phá.
Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
Từ ngày tượng mẹ sỹ bồng con bị phá, người dân nơi đây không ít lần chứng kiến những cảnh không thể lý giải được. Người thì cho rằng do đập phá chùa nên mới bị “giời” hành.
Thời điểm đó nhiều người đến phá chùa, chặt cây đa, lấy đá về xây nhà… thì người ta mới nghĩ rằng ngôi chùa này có sự linh thiêng.
Người dân quan niệm do bức tượng “báo oán” và phải phục dựng lại chùa thì dân làng mới yên thân. Từ đó, người dân phục dựng lại chùa và tượng mẹ sỹ, đến nay trở thành một khu di tích thiên tạo.
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của ông H. làm nghề khai thác đá. Được hợp tác xã thuê chở đá về xây hợp tác xã.
Lúc này, ông H. cho người đến khai thác tại di tích chùa nơi mẹ sỹ mọc lên. Khi lấy được đá, vừa bỏ lên xe ngựa cho đứa con trai trở về thì bất ngờ xe đá đổ úp đè bẹp chết đứa con trai ông.
Một trường hợp khác, một gia đình xây lăng mộ cho người nhà đã lấn vào phần đất thuộc khuôn viên cũ của nhà chùa. Vừa xây xong thì sáng hôm sau cậu con trai thứ 3 dậy rửa mặt bị rơi từ tầng 4 xuống chết tại chỗ.
Hay như gần đây nhất, một thợ xây được thuê đến xây lăng mộ cho một gia đình. Trong lúc xây bị vướng phải cành đa, ông thợ xây này đã dùng dao chặt hạ nó xuống. Chỉ một tuần sau ông này về tới nhà đổ bệnh chết…
Nói đến chuyện “báo oán” người dân thôn Trung Sơn vẫn còn nhớ như in câu chuyện rùng rợn. Cách đây 4 năm, một gia đình cán bộ nhà nước về hưu. Do hoàn cảnh khó khăn, lại không tin vào chuyện đồn thổi thần thánh.
Ông này đã lên đánh đá về bán, thậm chí còn đập vỡ phần đầu của bức tượng để lấy đá. Chỉ ít hôm sau ông đi đám cưới về, sức khoẻ đang khoẻ mạnh tự nhiên lăn ra ốm rồi chết.
Những lời đồn thổi và những chuyện kỳ bí xung quanh ngôi đền, khiến cả những người bạo gan nhất cũng phải rùng mình khiếp sợ. Đến này, không dám mạo phạm đến “thần thánh” mà nhắc đến như một điều linh thiêng.
Thực hư của các tin đồn này thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Huy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, đó là câu chuyện trên bàn chè nước theo kiểu đồn thổi.
Trên thực tế, chưa ai có thể chứng minh được rằng những người bị chết trước đó là do cây đa và sự linh thiêng của ngôi chùa gây ra…
“Tuy nhiên, một điều có thể thấy rất rõ là từ khi có tin đồn về những cái chết, do bị “thánh vật” thì di tích “thiên tạo” cũng được quan tâm chăm sóc, trân trọng giữ gìn và bảo vệ hơn. Từ đó, nơi đây trở thành điểm đến không chỉ của người dân địa phương mà còn là điểm tâm linh cho bà con trong vùng hướng đạo thờ phụng”, ông Huy cho biết.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Cột tin quảng cáo