Tin tức - Sự kiện

Kỳ IV: Ngã ở đâu đứng dậy ở đó

(DNHN) - Từ lò giếng Mông Dương, ông Nguyễn Đức Phan vi phạm kỷ luật, bị mất sạch. Đầu tiên là bị đình chỉ công tác, tiếp đến là bị khai trừ khỏi Đảng, bị cách chức và vố cuối cùng là tù, mất quyền công dân. Nhưng, cũng chính từ lò giếng Mông Dương, ông phấn đấu, rèn luyện, nhanh chóng trở thành Thứ trưởng Bộ Mỏ&Than.

Trở lại Mông Dương

 

Ngày 2/9/1974, ông Phan ra tù theo lệnh đặc xá án phạt tù của Chủ tịch nước. Như vậy, ông chỉ chấp hành án chín tháng 20 ngày, hơn nửa mức án mà ông bị tuyên phạt.

 

Đến tận cổng trại tạm giam đón ông hôm ấy là ông Nguyễn Châu, Phó Giám đốc Công ty. Ngồi trên chiếc xe Gát 69, qua phố mỏ Hà Lầm, kỷ niệm những ngày đầu đi làm mỏ trong ông chợt ùa về.

 

Khi học đại học ở Liên Xô về nước, ông hăm hở xách va li xuống nhận công tác ở mỏ Hà Lầm. Suốt năm năm, từ một công tử bột, quen sống, học hành ở nơi đô thị, ông vượt qua biết bao gian khó, phấn đấu trở thành đảng viên, được bổ nhiệm làm phó quản đốc, rồi quản đốc Công trường 38, Mỏ Hà lầm, rồi được Bộ tín nhiệm giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn thực tập sinh xây dựng mỏ Mông Dương ở Liên Xô hai năm.

 

Về nước, ông cùng ông Minh chỉ đạo công nhân cải tạo khôi phục giếng chính Mông Dương do người Pháp để lại và đào mới giếng phụ. Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, bỗng nhiên, chỉ một sơ sểnh, hai công nhân bị thiệt mạng, ba công nhân khác bị thương nặng; ông và ông Minh vào tù, mất sạch, mất đảng tịch, mất chức, mất quyền công dân…

 

Phố mỏ Hà Lầm lầm bụi, trong ngày Quốc khánh bừng lên cờ hoa. Qua ô cửa kính, ông thấy loáng thoáng những gương mặt thân quen. Không biết, trong họ có ai nhận ra ông, một kỹ sư đầy triển vọng của Mỏ Hà Lầm năm nào, bỗng nhiên trở thành phạm nhân, bị giam giữ ngay ở Hà Lầm, vừa được phóng thích? Rồi đây, không biết công việc của ông sẽ ra sao? Tương lại ra sao? Cái tỳ vết này rửa sao cho sạch?

 

Dường như đọc được suy nghĩ của ông Phan, ông Châu vỗ vai:

 

-Ông yên tâm. Lãnh đạo chúng tôi bàn nhau rồi. Trước mắt, ông về  làm ở phòng kỹ thuật công ty để dư luận lắng xuống. Êm êm rồi, Công ty lại đề nghị Bộ điều ông về Mông Dương, làm trợ lí cho anh Phúc. Tôi tin Bộ sẽ nhất trí.

 

-Nhưng em về lại Mông Dương, sợ rằng…

 

-Chẳng sợ gì cả! Ngã ở đâu đứng dậy ở đó! Việc này lãnh đạo Công ty đã bàn rồi.

 

Theo ông Lang Đen và ông Châu, khi đó ở Mông Dương đang khó khăn lắm. Tiến độ thi công rất chậm trễ. Cán bộ kỹ thuật thiếu. Trong đoàn cán bộ công nhân Việt Nam sang Liên Xô thực tập sinh xây dựng Mỏ Mông Dương, mỗi ông Phan có bằng kỹ sư, còn lại toàn trung cấp và công nhân kỹ thuật. Bởi vậy, Công ty mới đề nghị Bộ quyết định điều động ông Phan làm trợ lý Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 6.

 

Xin được nói thêm, công nghệ mở vỉa bằng giếng đứng yêu cầu kỹ thuật rất cao. Đến nay, kỹ sư Việt Nam vẫn chưa thiết kế được. Hiện tại, Việt Nam chỉ có hai mỏ mở vỉa bằng  giếng đứng. Mỏ thứ nhất là Mỏ Mông Dương, gồm hai giếng, giếng chính và giếng phụ. Giếng chính do người Pháp đào từ năm 1934, ta khôi phục từ năm 1969; giếng phụ  do Viện Thiết kế mỏ GIBROSAT Liên Xô thiết kế với công suất 900 ngàn tấn/năm và đầu tư; công nhân Việt Nam thi công.

 

Sau gần 14 năm khôi phục và xây dựng mỏ mới (tính từ năm 1969), đến ngày 28/12/1982, khu vực cánh tây của mỏ ra tấn than đầu tiên và, năm 1986, hoàn thiện toàn bộ dây chuyền sản xuất. Đây là một trong những công trình trọng điểm của nhà nước thời đó, được đặt tên "Kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga" tại Việt Nam.

 

Những năm đầu đi vào hoạt động, sản lượng của mỏ rất thấp, có năm chỉ đạt trên dưới 200 nghìn tấn/năm; có ý kiến đề nghị đóng cửa mỏ. Sau đó, Tổng Công ty Than Việt Nam chỉ đạo mỏ đổi mới công nghệ, tổ chức lại sản xuất, đổi mới quản lí, v.v, nên sản lượng tăng nhanh. Năm nay, dự kiến sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, vượt gần gấp hai lần công suất thiết kế.

 

Các ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đoàn Văn Kiển, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn TKV, từng làm Giám đốc Xí nghiệp, chỉ đạo xây dựng mỏ Mông Dương.  Mỏ thứ hai, mới khởi công từ đầu năm nay, xây dựng tại Hà Lầm, cũng gồm hai giếng, giếng chính và giếng phụ, do Trung Quốc thiết kế và thi công.

 

…Quyết định bổ nhiệm ông Phan làm Trợ lí Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 6 được đông đảo công nhân Mông Dương ủng hộ. Giám đốc Xí nghiệp lúc này là ông Trần Quang Phúc. Dù ông Phan chỉ là trợ lí, đang trong thời kỳ thử thách, ông Phúc vẫn giao cho ông Phan toàn quyền chỉ đạo khối kỹ thuật, và chỉ lưu ý, việc ký cốp văn bản phải thận trọng, việc gì thấy chưa yên tâm chớ thò bút vào, cứ để cho giám đốc, tội vạ gì giám đốc chịu!

 

Ông Phúc tâm sự với ông Phan thật chân tình: "Tôi già rồi, nhỡ may có chuyện gì chẳng sợ. Còn chú, trẻ, có năng lực, lại vừa ở tù ra. Nhỡ may lại gặp chuyện lôi thôi, chắc khó ngóc đầu lên được". Năm đó Xí nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch, được cấp trên khen thưởng.

 

Ra tù được một năm, ông Phan lại được kết nạp đảng. Khi ông Trương Văn Hoành về làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 6, Công ty rút ông Phan về làm trưởng phòng kỹ thuật mỏ của Công ty.

 

Công ty Xây dựng Than-Điện khi đó lớn lắm, gồm tám xí nghiệp xây lắp. Ngoài ra, còn trường công nhân kỹ thuật, bệnh viện, v.v, với hơn một vạn công nhân cán bộ; hoạt động trên các lĩnh vự xây lắp điện, xây dựng mỏ, xây dựng dân dụng, công nghiệp, xây dựng cầu đường, v.v, địa bàn hoạt động từ  Đông Anh tới Quảng Ninh. Đảng bộ Công ty có trên năm nghìn đảng viên. Các xí nghiệp của Công ty được đặt tên theo số thứ tự, từ một đến tám.

 

Xí nghiệp Xây lắp 1, chuyên xây lắp điện, đóng ở Đông Anh, tiền thân của Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc-TKV ngày nay, v.v. Xí nghiệp Xây lắp 4 có nhiệm vụ xây dựng mỏ Mạo Khê. Xí nghiệp Xây lắp 5 xây dựng Mỏ Vàng Danh; Xí nghiệp Xây lắp 6 xây dựng Mỏ Mông Dương.

 

Ông Lang Đen cho hay, nghề xây lắp nay đây mai đó, xây dựng xong công trình này lại chuyển đến xây dựng công trình khác, cần phải đặt tên như vậy để giữ thương hiệu. Các xí nghiệp xây lắp mỏ sau này, do biến động tổ chức nên đặt lại tên, hoặc sáp nhập với đơn vị khác.

 

Nêu những điều dài dòng này, chúng tôi muốn nói tới vai trò của ông  Phan trong việc chỉ đạo xây dựng các mỏ than hầm lò của Việt Nam với cương vị cục trưởng rồi thứ trưởng sau này. Nhưng chuyện này kể sau.  Bây giờ xin kể đến chuyện ông Phan được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than.

 

Với phẩm chất và năng lực của ông Phan, được thể hiện từ khi ông ra tù, Bộ có cơ sở để tín nhiệm điều động ông về Bộ và bổ nhiệm ông làm phó phòng, rồi trưởng phòng mỏ thuộc Vụ Kỹ thuật của Bộ. Tiếp đến là vụ phó, rồi vụ trưởng, Cục trưởng Cục Kiến thiết Cơ bản.

 

Việc bổ nhiệm những chức vụ này nhanh chóng và được nhiều người trong Bộ đồng tình ủng hộ. Với những vị trí ấy, ông Phan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và lãnh đạo Bộ đang nhắm ông vào vị trí cao hơn.

 

Xét về các tiêu chuẩn, ông Phan đều đạt A hoa. Về lí lịch trích ngang, thành phần gia đình của ông rất tốt. Bố ông là cán bộ chủ chốt trong ủy ban hành chính kháng chiến chống Pháp của địa phương (làng Đình Bảng, Bắc Ninh); anh trai và em trai ông là liệt sỹ. Bản thân ông được đào tạo rất cơ bản về nghề mỏ; thông thạo ngoại ngữ lại có nhiều năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng mỏ.

 

Nhưng vướng nhất đối ông trước khi bổ nhiệm chức thứ trưởng là ông có thời gian đi tù. Chế độ ta, hầu như chưa thấy ai đi tù sau đó phấn đấu trở thành thứ trưởng!.

 

 Bởi vậy, quy trình bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Mỏ&Than đối với ông Phan được thực hiện qua nhiều bước, rất thận trọng. Ban Tổ chức Trung ương cử người xuống Tỉnh Quảng Ninh thẩm tra xác minh về thời gian ông đi tù.

 

Ông Phan cho biết, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh lúc đó vẫn là ông Lê Đại- người mà trước đây chỉ thị các cơ quan pháp luật của tỉnh phải xử lí nghiêm đối với ông Phan! Vậy mà, vẫn theo ông Phan, trong phiếu thẩm tra, ông Lê Đại trực tiếp phê những dòng nhận xét về ông Phan rất tốt.


Kỳ 5- Vì sao ông Phan vào tù?


Cuộc tranh tụng tại tòa ra sao? Ông Phan có nhận tội không? Mời bạn đọc xem tiếp

 

Tháng 10/1982, ông Phan được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Bộ Mỏ&Than.

 

Như vậy, sau tám năm, từ một phạm nhân, mãn hạn tù, ông Phan phấn đấu, học tập, rèn luyện, trở thành thứ trưởng và giữ chức vụ này cho đến lúc nghỉ hưu, năm 1998.

 

Cao Thâm

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo