Thị trường

Ký kết TPP-11: Khi châu Á thành ngọn cờ đầu của tự do thương mại

Việc các nước ký thỏa thuận TPP-11 (CPTPP) hôm nay ở Chile là dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, trở thành người lãnh đạo của thương mại tự do toàn cầu.

Doanh nhân Dương Ngọc Minh được mệnh danh là "ông vua cá da trơn" của Việt Nam sau khi mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường thế giới cho cá tra và cá ba sa. Khi nhu cầu của thế giới về hải sản tăng trưởng đều đặn trong những năm qua, công ty Hùng Vương của ông Minh vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam.

Ông Minh là một trong số hàng nghìn doanh nhân Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản đặt kỳ vọng lớn vào hiệp định TPP, coi đây là cơ hội mở rộng con đường tiếp cận thị trường tiêu dùng của nước Mỹ. Khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng và rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, ông Minh đã phải điều chỉnh lại chiến lược hoạt động của công ty Hùng Vương.

Một tàu chở container chuẩn bị cập cảng Hải Phòng. Ảnh: Reuters.

Không ai được lợi khi Mỹ rời khỏi TPP

Hiệp định TPP từng được kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu quần áo, giày dép, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Mexico, Canada và các đối tác khác của TPP. Vì vậy, động thái rút Mỹ khỏi TPP của Tổng thống Trump đầu năm 2017 không phải là một tin tốt lành cho Việt Nam.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng nhất cho không chỉ doanh nghiệp thủy sản của ông Minh mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam. "Ông vua cá da trơn" cho biết chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump gây ra thách thức lớn cho hoạt động của Hùng Vương.

Mặc dù vậy, ông chủ của Hùng Vương cho biết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (TPP-11), dù vắng mặt Mỹ, vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thực phẩm của ông. Năm 2017, Hùng Vương xuất khẩu 20 triệu USD thủy hải sản sang thị trường Nhật Bản, Canada và Australia. Nay, khi hiệp định CPTPP đã chuẩn bị được ký kết, ông Minh kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm tối thiểu 30%.

Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất của CPTPP không nằm ở các thỏa thuận chi tiết mà nằm ở thực tế các nước thành viên đã đạt được thống nhất mà không cần tới sự tham gia của Mỹ, thành viên lãnh đạo thương mại thế giới trong hàng thập kỷ qua.

 

Người ta từng nghi ngờ TPP sẽ sụp đổ sau sự ra đi của Mỹ. Nhưng, Nhật Bản và các nước thành viên khác đã thành công khi hoàn tất quá trình tái đàm phán và cho ra mắt một thỏa thuận làm hài lòng cả 11 thành viên.

Ngày 8/3, lễ ký kết hiệp định CPTPP sẽ diễn ra ở thủ đô Santiago của Chile. Trong bối cảnh 11 quốc gia chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại tự do đáng chú ý nhất trong 25 năm qua, ông Trump đang làm rung chuyển thị trường thế giới và cảnh báo cả các đồng minh của Mỹ về mức thuế khắc nghiệt nhắm vào thép và nhôm.

Hàng hóa nhập khẩu từ châu Á tại một cảng ở Chile. Ảnh: Reuters.

"Những gì đang diễn ra cho thấy thế giới chúng ta đang sống bất định như thế nào. Mỹ, nước từng là ngọn cờ đầu của TPP, bỏ rơi hiệp định và đi theo một hướng hoàn toàn trái ngược (bảo hộ thương mại)", Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, cho biết. Bà Elms đánh giá Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo thương mại tại châu Á.

Các thành viên của TPP-11 tạo nên thị trường khoảng 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa GDP đạt 12,4 nghìn tỷ USD, chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, so với một hiệp định TPP với sự tham gia của Mỹ, mức GDP này chưa bằng một nửa.

Bản hiệp định TPP ban đầu được thống nhất vào tháng 10/2015 với 12 thành viên. Tuy nhiên, khi Mỹ bỏ rơi TPP, hiệp định này mất đi sự cân bằng dựa trên các nhượng bộ lẫn nhau của các thành viên. 11 quốc gia còn lại, không sẵn sàng ký kết trong bối cảnh tính chất hiệp định thay đổi do Mỹ rút lui, đã phải tái xây dựng lại hiệp định.

 

TPP-11 thoát khỏi cái bóng của Mỹ

Với sự thúc đẩy của Nhật Bản, Australia và Mexico, quá trình tái đàm phán TPP diễn ra trong suốt năm 2017. Khoảng 20 điều khoản, chủ yếu là những quy định mà Mỹ trước đó kiên quyết đưa vào, đã bị "đóng băng" trong bản hiệp định sửa đổi. Hai trong số những điều khoản này gồm quy định bảo vệ 8 năm dành cho dữ liệu về thuốc sinh học thế hệ kế tiếp và quy định về gia hạn quyền tác giả lên 70 năm sau khi tác giả qua đời.

Các chuyên gia nhận định các nước thành viên đã giảm đi chút ít sự chặt chẽ của các quy tắc thương mại. Tuy nhiên, các nước vẫn để lại điều khoản đảm bảo tự do thông tin điện tử, gồm 3 nguyên tắc về giao dịch điện tử: trao đổi thông tin xuyên biên giới, cấm các nước thành viên yêu cầu các thực thể nước ngoài đặt máy chủ trên lãnh thổ quốc gia đó, và cấm các nước thành viên yêu cầu các doanh nghiệp tiết lộ mã nguồn phần mềm.

Trong bối cảnh Tổng thống Trump kiên quyết bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống như thép và than đá, 11 nước thành viên CPTPP đã cho ra đời một loạt các quy định mới về tự do điện tử. Những quy định này có thể thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á, đẩy nhanh năng lực thông tin và từ đó thúc đẩy những đổi mới trong trí tuệ nhân tạo tại các nước châu Á.

CPTPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản Mexico. Ảnh: Reuters.

"Từ sau NAFTA, chưa từng có hiệp định thương mại tự do nào sâu, rộng và toàn diện như TPP-11", bà Elms cho biết. Giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á tin rằng hiệp định này sẽ "thay da đổi thịt" cho môi trường kinh doanh của các nước thành viên.
Mexico sốt sắng với TPP-11

 

Vào giữa tháng 2, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo không tiếc lời tán dương lợi ích mà TPP-11 mang lại cho nền kinh tế quốc gia này. Hiệp định này mở ra 6 thị trường mới tại châu Á và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, khoai tây và hoa quả của Mexico.

Mexico không hề xa lạ với các hiệp định tự do thương mại khi từng ký tổng cộng 46 văn bản tương tự trong quá khứ với nhiều nước châu Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, TPP mở ra cơ hội lớn giúp Mexico thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác mới, bao gồm Australia, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Sự hăng hái của Bộ trưởng Guajardo trong mở rộng các đối tác thương mại của Mexico không gây bất ngờ bởi nước này đang rơi vào tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ và viễn cảnh sụp đổ của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA.

Mexico đang cố gắng đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã kêu gọi mở rộng cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài không đến từ Mỹ. Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu từ Mexico vào Mỹ đã giảm 1,1%, trong khi Mỹ vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất vào Mexico.

TPP-11 có thể là giải pháp cho bài toán đa dạng hóa đối tác thương mại của Mexico. Chính phủ Mexico tin rằng có thêm nhiều đối tác thương mại có thể tạo thêm lợi thế cho nước này trong đàm phán sửa đổi NAFTA với Mỹ và làm lung lay quan điểm của Washington rằng nền kinh tế Mexico sẽ lụn bại nếu thiếu NAFTA và Mỹ.

 

Việt Nam: Thành viên hưởng lợi lớn nhất của TPP-11

Trong tất cả các thành viên TPP, Việt Nam có lẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất. Ngành sản xuất quần áo và dệt may từng được kỳ vọng tăng trưởng 30% mỗi năm nếu có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ. Nay, dự đoán tăng trưởng giảm xuống 10-12%.

Đối với ngành sản xuất thủy sản của Việt Nam, tác động lớn nhất của CPTPP là nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thủy sản Việt Nam sẽ hưởng lợi khi Việt Nam gia nhập CPTPP. Ảnh: Reuters.

Các mặt hàng cá xuất khẩu của Việt Nam, với mũi nhọn là cá tra, từng là đối tượng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu liên quan tới an toàn thực phẩm và phương thức đánh bắt.

Nay, TPP có thể cải thiện danh tiếng của thủy hải sản Việt Nam. Nhật Bản, thành viên chủ chốt của TPP, đánh thuế rất cao vào thủy hải sản. Điều này khiến các công ty xuất khẩu thủy sản không mấy mặn mà với việc đầu tư vào công nghệ để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.

 

"Nếu thuế suất giảm xuống bằng 0, các doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng hải sản, từ đó có thể bán được hàng vào thị trường Nhật Bản. Việc thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản sẽ là điểm cộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam", bà Elms nhận định.

Việt Nam mong muốn sớm kí kết TPP-11 bởi nhiều khả năng một thỏa thuận sửa đổi có thể khiến Mỹ thay đổi quyết định và tái gia nhập hiệp định, từ đó mở ra thêm cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ cho hàng hóa của Việt Nam. Quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Mỹ cũng phục vụ chiến lược mở rộng quan hệ với tất cả các nước của Việt Nam.

Việt Nam không phải là thành viên TPP-11 duy nhất mong chờ sự quay lại của Mỹ với hiệp định. Tổng thống Trump đã gieo lên tia hy vọng cho các nước khi ngụ ý có thể đưa Mỹ quay lại với TPP nếu có thể đạt được những thỏa thuận "có lợi hơn". Thông điệp này sau đó được nhắc lại bởi Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin.

Các thành viên quốc hội Mỹ hiện gây sức ép buộc chính quyền của ông Trump phải xem xét lại cách tiếp cận với vấn đề thương mại, đặc biệt trong bối cảnh tác động của khả năng rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA ngày một rõ ràng hơn.

"Đang có nhiều cuộc thảo luận tại Washington về thiệt hại kinh tế khi Mỹ đứng ngoài TPP, đặc biệt khi các đối thủ cạnh tranh trở thành thành viên của hiệp định", bà Elms cho biết.

 

Giả thuyết về việc TPP sẽ sụp đổ khi Mỹ rời bỏ hiệp định đã không trở thành sự thật. Thực tế, 11 nước còn lại đã thành công trong việc ra mắt TPP-11 và hiệp định này bắt đầu làm dấy lên câu hỏi về những người Mỹ bị ảnh hưởng, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, do Washington đứng ngoài cuộc chơi.

Dù TPP-11 có ngay lập tức mang lại lợi ích kinh tế cho các nước thành viên hay không, hiệp định này cũng đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng từ 11 nước châu Á - Thái Bình Dương: Họ đủ mạnh mẽ để trở thành một khối tự do thương mại và nói "Không" với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump.

Nên đọc
Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo