Tin tức - Sự kiện

Kỷ luật cán bộ "ngồi trên trời làm luật"

“Cha đẻ” của quy định “bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ” đã bị xử lý kỷ luật nhưng... rất nhẹ.

Quy định bán thịt trong 8 tiếng sau khi giết mổ đã bị khai tử

Vào tháng 8 năm ngoái, quy định về thịt tươi sống không được bảo quản lạnh chỉ được bán trong vòng 8 tiếng đã gây ra hai luồng dư luận.

Một mặt nó được ủng hộ vì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng một mặt không mấy ai tin quy định này sẽ khả thi vì nó quá xa vời với thực tế.

Chính ông Cấn Xuân Bình, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cũng từng thừa nhận, quy định này rất khó thực hiện và phải có thời gian. Hà Nội có 1.200 chợ cóc, chợ nhỏ nằm ở rải rác ở các quận, huyện nên khó kiểm soát...

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, việc tổ chức thực hiện là khó, vì thói quen đã lâu rồi, quy trình hiện nay như ngoài chợ thì không thực hiện được.

Trước các phản ứng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng, phải đưa ra được quy định sát với thực tế, khả thi, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và phải có bước đi phù hợp, chứ nóng vội quá cũng không được.

Bẵng đi một thời gian, không thấy ai nhắc đến quy định kiểu 'trời ơi' này còn hay đã 'chết yểu"?

Trao đổi với phóng viên VTC News mới đây, ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: “Về thông tư 33, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chính thức công bố bãi bỏ từ năm ngoái rồi, giờ không thực hiện nữa.

Đội ngũ tạo ra thông tư này đã bị kỷ luật, kiểm điểm, tất nhiên chỉ ở mức khiển trách thôi chứ cũng không có vấn đề gì nặng nề lắm. Nội dung thông tư không thực tiễn chút nào cả, không đi vào thực tế nên đã bị kiến nghị bãi bỏ và hiện đã bị bãi bỏ”.

Kỷ luật cán bộ "ngồi trên trời làm luật"Đội ngũ tạo ra thông tư này đã bị kỷ luật, kiểm điểm, tất nhiên chỉ ở mức khiển trách thôi chứ cũng không có vấn đề gì nặng nề lắm. Kỷ luật cán bộ "ngồi trên trời làm luật"

Câu chuyện này lại một lần nữa cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn trong khâu làm luật và khâu xử lý các cá nhân “ngồi trên trời làm luật”.

Thịt "bẩn" vẫn nhan nhản

Theo khảo sát mới đây của Chi cục Thú y TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 2.571 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó có 16 cơ sở giết mổ thủ công tập trung.

Các cơ sở này đã cung cấp đến 83% sản phẩm giết mổ thịt lợn và 87% sản phẩm thịt gia cầm cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

“Các doanh nghiệp làm giết mổ đến nay đều thất bại hết và chỉ sản xuất được 3 – 20% công suất dẫn tới thua lỗ nặng. Chúng tôi đã hứa với lãnh đạo thành phố sẽ vực lại 5 doanh nghiệp từng đi vào dĩ vãng này”, ông Vân cho biết.

Thực tế, các cơ sở giết mổ công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, hiện chỉ đạt mức giết mổ trung bình là 200 con lợn và 15.500 con gia cầm, đạt 16,6% công suất thiết kế giết mổ lợn và 23 công suất thiết kế giết mổ gia cầm.

Với công suất như hiện nay, sản phẩm thịt lợn được giết mổ từ các cơ sở công nghiệp chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu thịt lợn, 11% nhu cầu thịt gia cầm tiêu thụ tại Hà Nội.

Thành phố còn có 3 cơ sở giết mổ bán công nghiệp (2 cơ sở giết mổ lợn và 1 cơ sở giết mổ gà), công suất giết mổ 2.500 con lợn/ngày và 3.000 con gà/ngày. Theo đánh giá của Chi cục Thú y, giết mổ bán công nghiệp chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu thịt lợn và 2% nhu cầu thịt gia cầm trên địa bàn Hà Nội.

“Muốn có thịt đảm bảo chất lượng, nhất thiết chính quyền các cấp phải ra tay. Không ai có thể thay họ quản lý các điểm giết mổ nhỏ lẻ được. Hiện thành phố còn 2170 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Nếu cứ tản mát như vậy mà chính quyền không kiểm soát thì dứt khoát có ô nhiễm.

Ô nhiễm ở đây là ô nhiễm cho người bên cạnh, không khí và môi trường chứ không phải mất an toàn vệ sinh miếng thịt mình ăn vào bụng”, ông Vân nhấn mạnh.

 

Năm 2014: Thỏa sức ăn thịt bò lai giá rẻ

Thông tin với báo chí, ông Hoàng Thanh Vân cho biết, Hà Nội cố gắng sang năm 2014 sẽ bán phổ biến thịt bò Bỉ trên địa bàn thành phố.

"Chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội với hướng lai tạo bò Việt Nam với bò Bỉ, bò Úc để người dân không phải tốn 700 – 800 nghìn đồng mua 1 kg thịt bò lai nữa. Thay vào đó người tiêu dùng sẽ chỉ phải chi 350 – 400 nghìn đồng thôi trong khi vẫn được hưởng sản phẩm có chất lượng tương tự”.

Theo VTC
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo