Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao
Rau quả vượt cả dầu thô về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Kết quả đáng mừng này có sự đóng góp không nhỏ của ngành NH. Bởi nhiều năm qua nông nghiệp, nông thôn, nông dân là những lĩnh vực luôn nhận được nguồn vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi của các NHTM. Tăng trưởng tín dụng cho khu vực này luôn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn Ngành.
Đơn cử, năm 2017 tín dụng chung của cả nền kinh tế tăng 17,8% nhưng riêng lĩnh vực tam nông tăng khoảng 25%. Theo thông tin Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân trung tuần tháng 4 vừa qua: tổng dư nợ với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến nay đạt 1.350.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trở lại với xuất khẩu, rõ ràng việc ứng dụng công nghệ, sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa... đã giúp những sản phẩm "made in" và cả "made by" Việt Nam vào được những thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận chúng ta vẫn cần nâng cao hơn nữa hàm lượng chất trong kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, đổi mới quy trình sản xuất là giải pháp hiệu quả hơn cả.
Giải pháp này dẫn “đường link” khiến chúng tôi nghĩ đến chương trình cho vay khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) hay còn gọi là gói 100 ngàn tỷ đồng, theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ mà ngành Ngân hàng đã triển khai từ tháng 4/2017.
Đã có 8 NHTM cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng cho vay các dự án NNCNC. Đã có gần 7 ngàn khách hàng được vay vốn từ chương trình này, song dư nợ vẫn khá khiêm tốn so với nguồn vốn mà các NHTM sẵn sàng đáp ứng. Đã hai lần vụ chức năng của NHNN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngồi lại để bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai gói 100 ngàn tỷ.
Vẫn là những vấn đề như: doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất NNCNC một cách bài bản; chưa có phương án sản xuất hiệu quả... Nhiều trường hợp khách hàng và NH không thống nhất được về việc dự án đạt hay không đạt tiêu chí NNCNC; hay ngành hàng mà khách hàng muốn được vay lãi suất thấp để đầu tư lại không nằm trong danh mục thuộc diện được vay gói 100 ngàn tỷ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra...
Khách quan mà nói thời gian qua gói 100 ngàn tỷ đồng chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng của cả người vay lẫn bên cho vay. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết các NH sẽ sơ kết, đánh giá quá trình triển khai gói 100 ngàn tỷ đồng để có những sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Việc triển khai chương trình này là cần thiết. Song băn khoăn của NHTM vẫn là tính hiệu quả, đầu ra của các sản phẩm NNCNC.
“NH cũng phải theo cơ chế thị trường, cũng cần khách hàng. Chất lượng sản phẩm tốt, có đầu ra… thì chả lý gì NH không đầu tư. Nhưng vấn đề là dự án đó đầu tư có hiệu quả, có phù hợp không?", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, cứ nói đến chương trình tín dụng là khách hàng ghép ngay từ “ưu đãi” vào sau. Gói 100 ngàn tỷ này cũng bị nhiều khách hàng hiểu nhầm là gói tín dụng chính sách. Ở đây phải xác định: vay NNCNC là khoản vay thương mại, nhưng vì là NNCNC nên được NH giảm lãi suất cho vay (thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM). Khách hàng vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, thủ tục theo quy định…
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 19/2018/QĐ - TTg quy định về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp ứng dụng CNC. doanh nghiệp có giấy chứng nhận NNCNC sẽ tạo điều kiện để NH giải quyết tốt hơn các hồ sơ xin vay vốn gói 100 ngàn tỷ.
Thêm vào đó, sau một năm triển khai, NHTM và cả khách hàng đã có nhiều kinh nghiệm, hiểu nhau hơn trong triển khai chương trình này. Kỳ vọng tới đây NNCNC phát triển hơn, nguồn vốn đầu tư của NH mang lại hiệu quả cao hơn cho khu vực tam nông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo