Thị trường

Kỳ2: Khó kiểm soát nguồn thu vì thiếu thông tin

Khi kiểm soát không tốt các thông tin liên quan, nhà nước cũng có thể bị thất thoát nguồn thu từ khai thác tài nguyên. Không kiểm soát được thông tin, còn làm tăng bất đồng giữa bên phải đóng và bên thu.

Đá dư thừa không thể thu thuế nếu doanh nghiệp không tận dụng

Tranh cãi cao thấp thuế tài nguyên

Có thực tế, quan điểm về mức thu thuế giữa nhà nước và doanh nghiệp vẫn không có tiếng nói chung. Vẫn theo kiểu cơ quan quản lý muốn tăng, doanh nghiệp muốn giảm. Với cách thu theo cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự nộp như hiện nay, cơ quan quản lý còn gặp khó khăn trong việc quản lý nguồn thu và mức thu là chuyện thường.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Ký – Phó trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ Dự toán của Cục thuế tỉnh Yên Bái cho rằng: “Công tác quản lý thuế trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Số thu ngân sách chưa tương ứng với mức độ ảnh hưởng về môi trường và sự xuống cấp của hạ tầng giao thông trên địa bàn”.

Mặt khác, do thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp nên một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác loại khoáng sản quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như chì, kẽm, vàng, đồng, đá quý, hệ số rủi ro rất cao trong việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Một số loại khoáng sản kim loại như quặng sắt do đặc điểm hàm lượng ở các điểm mỏ khác nhau, nên khi thực hiện áp giá tính thuế tài nguyên gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Nếu áp giá chung của tỉnh cũng xảy ra trường hợp doanh nghiệp không có khả năng nộp, sẽ phải dừng khai thác. Như trường hợp hàm lượng quặng thu được ở một số mỏ dưới 20%.

Vẫn theo ông Ký, chính sách thuế tài nguyên và thuế môi trường hiện nay được tính trên sản lượng thực tế. Tức là “ông” đào lên, đưa về kho thì mới thu thuế tài nguyên, còn toàn bộ tài nguyên mà doanh nghiệp loại bỏ tại hiện trường thì không thu. Lấy ví dụ như khai thác đá trắng ở Yên Bái, có những doanh nghiệp thu chỉ khoảng 50%-60%, còn 40%-50% họ bỏ ngay dưới chân mỏ. Số dư thừa này không thể thu thuế nếu doanh nghiệp không tận dụng.

“Họ chỉ khai cho chúng tôi số lượng đá mang về kho thôi, còn vẫn ở khai trường thì không thu được. Đây là một chính sách không khuyến khích được các doanh nghiệp tận dụng hết tài nguyên mình được phép khai thác trên một mảnh đất. Hơn 1000 khối đá có khi chỉ lấy được vài ba trăm khối đá, còn lại thì vứt đi. Rất lãng phí”, ông Ký nói.

Ngoài lãng phí tài nguyên, nhiều ý kiến cũng cho rằng mức thu thuế hiện nay đối với ngành khai khoáng còn thấp, cần tăng thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. Yên Bái đã kiến nghị rất nhiều lần với Bộ Tài nguyên, thậm chí UBND tỉnh có hẳn công văn gửi các bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường đề nghị điều chỉnh 15% thuế suất đá hoa trắng, nhưng cuối cùng cũng chỉ điều chỉnh 7-9%. Mức thuế này chỉ tương đương với loại đá xây dựng thông thường.

Phí môi trường cũng được các cơ quan thuế địa phương đề nghị điều chỉnh. Trên thực tế, một khối đá trắng giá hiện này vào khoảng 16 triệu. Khung tối đa thu phí của loại khoáng sản này chỉ ở mức 90.000 đồng/khối. Các nhà quản lý cho rằng, lợi nhuận thu được từ hoạt động này là rất lớn. Theo tính toán, ngay cả khi đã nộp thuế tài nguyên, phí môi trường, chi phí khai thác, chi phí đầu tư và tất cả các loại chi phí khác, nếu hoạch toán đầy đủ thì chưa đến 50% giá bán, còn lại lợi nhuận thu được trên 50%.

Tuy nhiên doanh nghiệp lại hoàn toàn không đồng tình với quan điểm này. Đại diện một doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái bảo tính thế là chưa thấy hết các khoản chi phí ban đầu .

Ông Hoàng Văn Nghĩa Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Yên Bái- VPG cho rằng, giá trị của đá trắng đúng là cao hơn đá xây dựng, nhưng mức độ thu hồi lại không hề cao. “Để lấy một khối đá chúng tôi có thể phải khai thác đến gần 100 khối mỏ. Như vậy chi phí để ra một cái khối đá cũng không còn là thấp nữa. Chính vì vậy, khi bán một khối đá chưa chắc đã bù đủ chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra khai thác. Bảo tăng thuế là không phù hợp”, ông Nghĩa nói.

Cạnh đó, ngoài những khoản thuế phải đóng theo nghĩa vụ, hàng năm các doanh nghiệp cũng đóng góp những khoản hỗ trợ cho địa phương không hề nhỏ. Theo doanh nghiệp, lợi nhuận cuối cùng không đáng là bao nhiêu.

Có hiện tượng chuyển giá nội bộ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, khó khăn nhất đến từ việc quản lý sản lượng khai thác, đặc biệt là những loại quý hiếm, có giá trị rất cao.“Chúng tôi không dám đánh giá phụ thu bao nhiêu phần trăm và hoàn toàn do doanh nghiệp kê khai, tự nộp. Riêng sản lượng đối với loại khoáng sản quý hiếm có giá trị cao, tới đây còn cả đất hiếm nữa, không biết chúng tôi có quản lý được không. Có khi người ta chỉ khai thác 700-800.000/kg đất hiếm, nhưng giá trị lại rất cao. Quản lý cái rất khó”.

Khó nữa là hoạt động khai thác đan xen của nhiều doanh nghiệp. Và đây cũng là một trong những tiêu chí để muốn minh bạch mà buổi tập huấn do Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Liên minh Khoáng sản và Diễn đàn Các nhà báo Môi trường Việt Nam tổ chức mới đây nêu ra.

Theo đó các doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập các công ty con và chi nhánh rồi xin phép khai thác trên địa bàn Yên Bái có lẽ là điển hình cho sự phổ biến ở hầu khắp các địa phương có khoáng sản, dẫn đến không kiểm soát được đầu mối hoạt động của các doanh nghiệp.

Không kiểm soát được sản lượng bởi sau khi khai thác, sản phẩm đã điều chuyển về trụ sở chính để tiêu thụ và xuất khẩu. Giá điều chuyển rất thấp so với thị trường tại địa phương. Hậu quả, thu ngân sách tại địa phương khai thác rất thấp và rất khó quản lý theo dõi tài nguyên từ khâu khai thác đến khâu tiêu thụ cuối cùng. Động thái điều chuyển này còn được các chuyên gia nhận định là có khả năng xảy ra hiện tượng chuyển giá nội bộ.

Ở Yên Bái cũng vậy, quan chức ngành thuế cho biết chỉ có một số các doanh nghiệp khoáng sản đóng trên địa bàn tỉnh và phần lớn là quy mô nhỏ. Trong khi đó doanh nghiệp “có máu mặt” đều ở tỉnh bạn.

Ở Yên Bái các mỏ sắt lớn, mỏ đá hoa trắng đều là các doanh nghiệp ngoài tỉnh và do cấp bộ cấp giấy phép. “Họ mang sản phẩm về bên kia, họ xuất khẩu hay làm gì ở bên kia thì chúng tôi không theo dõi được. Cho nên giá tài nguyên họ chỉ kê khai theo giá của tỉnh là tối đa, dẫn đến những cái bất cập, không công bằng giữa các doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp tỉnh bạn” ông Ký nói.

TS Đào Trọng Hưng, ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chia sẻ, luật có quy định thuế tài nguyên nếu mỏ do trung ương cấp phép thì địa phương được 30%, trung ương 70 %. Mỏ do tỉnh cấp phép mới được thu cả. Vấn đề quy mô nào thì tỉnh cấp, quy mô nào không được. Xung quanh câu chuyên thuế và phí còn đặt ra nhiều câu hỏi phải trả lời được khi chúng ta phải công khai, minh bạch hoạt động khai thác khoáng sản. “Đấy là cái cách đánh giá trữ lượng, đánh giá thực chất khai thác được bao nhiêu, căn cứ nào để xác định được bao nhiêu phần khai thác được và bao nhiêu phần trăm của bao nhiêu, dựa trên cơ sở nào, trữ lượng nào khai thác, ai giám sát, ai kiểm tra”, TS Hưng đặt câu hỏi.

Cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước sẽ nhàn hơn nếu cung cấp được cho cộng đồng địa phương các thông tin như dựa trên cơ sở nào để thu thuế của mỏ, của các doanh nghiệp và thu thuế công đoạn nào. Hay thuế môi trường thì được sử dụng như thế nào, đóng góp như nào rồi thuế tài nguyên đóng góp như nào, sử dụng như thế nào, minh bạch ra làm sao. Làm được thế sẽ sáng rõ nguồn thu của khoáng sản. Hiệu quả khai thác sẽ được sử dụng tốt nhất cho cộng đồng.

 Đến thời điểm Quý II năm 2014 toàn tỉnh Yên Bái có 114 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cấp 164 giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn với 7 nhóm khoáng sản các loại, tổng diện tích cấp phép là 2.351,59 ha trong đó: Khai thác vật liệu xây dựng thông thường 53 giấy phép, quặng sắt 48 giấy phép, quặng chì kẽm 12 giấy phép, quặng vàng 4 giấy phép, đất hiếm 1 giấy phép, đá hoa trắng 29 giấy phép.
 

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo