Tin tức - Sự kiện

Lạ đời quy định hạn chế công nhân đi... vệ sinh!

Công nhân (CN) đi vệ sinh phải xin… “thẻ bài”, xin nón để đội, đăng ký với “Nữ hoàng toilet” (cách CN gọi người quản lý việc đi vệ sinh của họ - PV), bị canh từng phút, đếm từng lần… CN không tuân thủ là bị phạt thẻ vàng, lập biên bản, trừ lương…

Những quy định lạ đời, cách quản lý chẳng giống ai này đang được nhiều Cty tại TPHCM sử dụng, gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe CN.

Đáng nói, khi vụ việc vỡ lỡ, CN ngừng việc nhiều ngày phản đối, cơ quan chức năng vào cuộc giải thích việc hạn chế CN đi vệ sinh là sai, nhưng các Cty vẫn cho rằng quy định dùng thẻ, dùng mũ đi vệ sinh là đúng pháp luật vì nhiều Cty khác cũng làm vậy! 

Sạn thận, bầu bì, “tào tháo rượt”… cũng phải “nín”

Liên tục trong nhiều ngày qua, gần 900 CN Cty Shilla Bags Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, ở P.Thạnh Xuân, Q.12) đã ngừng việc đòi… quyền đi vệ sinh. Sự việc khởi phát vào trưa 12.3 khi một vài CN nữ bị đau bụng nhưng bị “Nữ hoàng toilet” của Cty không cho đi vệ sinh vì... 11h trưa không phải là giờ đi vệ sinh. Nhìn đồng nghiệp khóc lóc, năn nỉ, cộng với bức xúc về quy định giờ, đi vệ sinh phải dùng thẻ dồn nén nhiều tháng qua, 893 CN của Cty đã đồng loạt ngừng việc.

CN cho biết, nhiều tháng nay, Cty áp dụng quy định là trong 1 ngày có 2 giờ CN được đi vệ sinh là từ 9h30-10h30 và từ 14h-15h, những giờ còn lại thì xưởng đóng cửa, có người gác nghiêm ngặt, ai có “nhu cầu” cũng phải “nhịn”. Oái ăm hơn, trong 2 giờ đó, để được đi vệ sinh, CN phải xin được cấp thẻ đi vệ sinh (80 người/3 thẻ), ghi rõ họ tên, thời gian đi… “Ai đi lâu là bị chửi té tát, ngày đi nhiều lần thì bị gọi lên nhắc nhở, nhắc nhở 2 lần là bị phạt thẻ vàng trừ 50 ngàn đồng, 2 thẻ vàng bằng một thẻ đỏ là bị đuổi việc. Tôi bị sạn thận, mang giấy bệnh viện lên trình Cty cũng không giải quyết và cho rằng ai có bệnh đều mang giấy lên xin đi vệ sinh thì còn gì là quy định! Ngay cả chuyện nữ CN tới “tháng”, họ cũng chỉ cho mang 2 miếng băng vệ sinh/ngày, đủ 2 lần đi vệ sinh”, CN L cho biết.

Mới đây, trong vụ ngừng việc của gần 300 CN Cty TNHH Young Woo (100% vốn Hàn Quốc, ở Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn), nhiều CN cũng bức xúc cho biết, ngoài việc Cty nâng lương cơ bản nhưng hạ bậc thợ, ban giám đốc Cty cũng đề ra những nội quy rất "quái" liên quan đến việc đi vệ sinh của CN. “Tôi mang bầu nên đi tiểu nhiều nhưng đi nhiều thì bị quản lý nhắc nhở, lập biên bản. Ở đây đi vệ sinh phải dùng thẻ nên mình giành thẻ đi vệ sinh hoài cũng bị đồng nghiệp trách”, chị V - CN Cty trình bày.

“Hôm đó tôi bị “tào tháo rượt” nên liên tục xin nón cam để đi vệ sinh. Trong lúc chuyền (70-80 người/chuyền) có 4 cái nón cam đã bị người khác lấy hết nên vì bí quá tôi đã đi vệ sinh mà không… đội nón cam. Tôi bị bắt, bị lập biên bản và bây giờ là đã nghỉ việc chỉ vì cái quy định đi làm đội nón xanh, đi vệ sinh đội nón cam, nhưng nón xanh thì mỗi người một cái, số lượng nón cam thì hạn chế”, chị Thùy Dung - CN Cty TNHH Daiwa Plastics Việt Nam (ở KCX Tân Thuận, Q.7) nhớ lại quy định hạn chế CN đi vệ sinh tai quái của Cty. 

Quản lý yếu kém và xem thường công nhân

Những quy định lạ đời của Cty đã khiến nhiều CN phải nhịn uống nước, điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị sạn thận, nữ CN đang mang thai. “Bác sĩ dặn tôi phải uống nước nhiều lần, để chăm sóc cơ thể và bổ sung nước ối, tuy nhiên vì quy định đi vệ sinh phải dùng thẻ, hạn chế thời gian khiến tôi rất ít uống nước”, một nữ CN mang thai trình bày.

“Cty hạn chế CN đi vệ sinh nên hạn chế luôn việc uống nước của chúng tôi. CN mang ca nước đá, nước lọc vào xưởng, Cty cũng không cho vì Cty sẽ có người đi lấy nước giúp. Mỗi buổi, một CN được cấp nửa lít nước. Trời nóng chúng tôi rất khát và yêu cầu được uống nhiều nước thì bị kỹ thuật, chuyền trưởng nói rằng “uống nước chi nhiều, chỉ cần uống để thanh giọng là được. Riết rồi, anh chị em chúng tôi bị sạn thận, viêm tiết niệu hết vì cái quy định này”, chị D - CN Cty Shilla Bags Việt Nam trình bày.

“Nếu đơn giản chỉ là đi làm đội mũ xanh, đi vệ sinh đội mũ cam, khách vào thăm đội mũ trắng như trong nội quy lao động mà Cty Daiwa Plastics Việt Nam đăng ký với Ban quản lý các KCN – KCX TP (Hepza) thì quy định này không có gì sai. Tuy nhiên, Cty lại hạn chế số lượng mũ cam, hạn chế việc đi vệ sinh của CN thì cách quản lý của Cty không đúng”, bà Nguyễn Võ Minh Thư - Quyền trưởng phòng quản lý lao động Hepza cho biết khi nói về vụ việc của chị Thùy Dung và quy định đi vệ sinh đội nón cam của Cty này.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo