Lạ lùng người phụ nữ gần 20 năm làm nghề... đập phá tivi
Nói về... đập phá tivi, phải gọi bà Thủy là "chuyên gia" bởi bà hiểu rõ tivi hơn cả lòng bàn tay mình, từ các đời tivi lạ lẫm đến mới toanh, từ cái bo mạch nhỏ xíu, cũ kỹ đến những bộ loa, khung hình to đùng, gỡ ra thế nào, lắp ráp ra sao... không chi tiết nào bà không biết. Bà Cao Thị Thủy chia sẻ: "Trước đây tôi làm nghề bán tạp hóa, nhưng nặng vốn mà đồng lời quá ít, con lại đông, tôi bàn với chồng lên Sài Gòn kiếm sống. Ở đây, chúng tôi làm đủ việc nhưng không đủ ăn. Sau đó, qua nhiều cơ duyên, tôi gắn bó với nghề... đập tivi đến bây giờ".
Cơ duyên của bà Thủy đó là khi những người cháu gợi ý cho bà buôn bán tivi cũ, bà mua đi bán lại những chiếc tivi cũ cho người lao động nghèo. Thế nhưng phần vì bà không biết xem máy, phần người mua xin khất nợ nên bà không còn vốn làm nữa. Tuy nhiên, bà Thủy không bỏ cuộc, bà làm nhiều việc khác nhau để có tiền cho hai người con trai đi học tại một trường nghề trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.10, TP. HCM) để hiểu thêm về máy móc.
Thế nhưng khi chưa học đến đâu, hai người con của bà là anh Huỳnh Phương Tâm (SN 1980) và người con út đột nhiên phát bệnh tâm thần rồi bỏ ngang. Thấy cuộc sống gia đình bà quá khó khăn, những người bạn của anh Tâm sáng đi học, chiều ghé nhà bà Thủy để chỉ bà cách tháo lắp tivi, chỉ bà cách nhận biết những thiết bị còn sử dụng được. "Học nghề" gần 2 năm, bà Thủy có thể tự tay mình tháo lắp thiết bị, đọc hiểu được chức năng của bo mạch,... Từ đó bà "mở tiệm" thu mua tivi cũ để bán linh kiện, nói là "tiệm" thế nhưng đó chỉ là một chiếc xe đẩy nhỏ đặt ở góc đường vừa mua vừa bán.
Gọi là nghề... đập phá tivi, vì theo bà Thủy, hằng ngày có người chở những chiếc tivi cũ đến bán cho bà, sau khi thỏa thuận giá, bà liền tháo lớp ngoài, và những thiết bị bên trong, sau đó nếu bóng đèn tivi, các mấu sắt,... không còn sử dụng được bà sẽ đập nát ra để tận dụng sắt bán phế liệu. Từ đó mọi người gọi nghề này là nghề đập phá tivi, hay nghề đập tài sản, người trong nghề được gọi vui là "thợ đập", "thợ phá".
Nghề này còn phụ thuộc vào sự "hên xui" ngay từ ban đầu. Vì người bán không chấp nhận việc kiểm tra máy bên trong nên người mua phải quyết định theo linh cảm và sự phán đoán của mình, nếu may mắn mua đúng chiếc tivi còn tận dụng được gần hết các linh kiện, thì bà lãi khoảng 40.000 đồng/chiếc, còn không chỉ lãi khoảng 15.000 đồng đến 20.000 đồng. "Cái khó ở đây là người mua về phải nhớ từng dòng đời sản xuất của tivi, ở dòng đời đó họ sẽ tận dụng được những gì, quan trọng là sự phán đoán xem linh kiện của những chiếc tivi đó còn sử dụng được hay không, tivi đã bị tháo chưa. Nếu người mua không biết được những điều trên thì có mua về đập ra cũng chỉ tốn công", bà Thủy chia sẻ.
Nghề đập phá tivi không có người dạy, chỉ là những lao động khó khăn dạy nghề cho nhau, nên trước khi trở thành "thợ đập phá tivi chuyên nghiệp", bà Thủy cũng đập nát hết... vài chục chiếc tivi mà không tận dụng được gì. Trước đây, nghề đập tivi đã phát triển rất thịnh, cả xóm nghèo tại con hẻm trên đường Vĩnh Viễn (Q.5, TP. HCM) đều làm nghề này, lúc đó một ngày "thợ đập" có thể kiếm hơn 200.000 đồng. Nhưng giờ đây, vì tivi đã hiện đại, thiết bị điện tử cũng rẻ hơn nên nhiều người dần bỏ nghề chỉ còn lại ba người, bà Thủy thuộc về "lão làng". Hiện tại, bà Thủy chuyên thu mua tivi cũ và bán linh kiện với giá rẻ. Sinh viên ngành điện tử ở Sài Gòn hầu như không ai không biết đến xóm nghèo này, họ đến đây để mua linh kiện phục vụ việc học với giá rẻ.
Bạn Phan Thành Tài (SV năm 3 trường ĐH Bách Khoa) cho biết: "Mình thường đến đây tìm mua các thiết bị điện tử, lúc trước không biết mình mua những linh kiện mới, nhưng khi thực hành thường làm hư, mỗi cái như thế giá vài chục nghìn rất tốn kếm. Từ khi biết nơi đây, mình trở thành khách quen vì các cô chú ở đây bán rất rẻ, thấp nhất 3.000 đồng, linh kiện cao nhất cũng chỉ 15.000 đồng, trước khi mua mình còn được cô chú tư vấn để không mua nhầm. Nhờ mua giá rẻ, mình có thể "mạnh tay" để chế tạo thiết bị mà không sợ bỏ ngang vì... hết tiền".
Được biết, thiết bị quan trọng và đắt nhất của chiếc tivi đó là bóng đèn, thế nhưng phần lớn tivi được bán tại đây bóng đều bị hư bóng phải đập bỏ kính, lấy đế bán phế liệu. Đa phần thiết bị được tận dụng là bo mạch, loa thì 20.000 đồng/cặp, chỉ những khung nhôm tivi mới có giá tầm 100.000 đồng, các khung nhôm này được bán cho những người sản xuất "tivi ngàn mối", tức là tận dụng tất cả các thiết bị còn xài được của vô số chiếc tivi bỏ đi để ráp lại thành một chiếc tivi hoàn chỉnh bán lại cho những người lao động nghèo theo hình thức cũ người mới ta. Thường một ngày, may mắn lắm "thợ đập" mới kiếm được 100.000 đồng tiền lời.
Người ta thường nói Sài Gòn ngoài những con người tất bật, những không gian náo nhiệt còn có những điều lạ lẫm, những nghề độc nhất vô nhị quả không sai. Sài Gòn là nơi kiếm tiền khó nhưng sống thì dễ cũng đúng, như tại nơi này đây, những người chưa từng biết đến nghề có lẽ sẽ đi từ ngạc nhiên đến thích thú khi trò chuyện với các "chuyên gia"... đập phá tivi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé