Thị trường

Lạ mà hay: Trồng cau bán lá thu 30 triệu/tháng

Trồng cau vàng chỉ để bán lá-đó là mô hình lạ mà hay của ông Nguyễn Văn Hường, ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Với 14.000m2 trồng cau vàng bán lá, mỗi năm gia đình ông Hường lời 350 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hường cho biết, người trồng cau vàng  sẽ thu hoạch từ 7 đến 8 lần trong năm. Số tiền lãi từ mỗi 1.000m2 trồng cây cau vàng sẽ là 2,5-3 triệu/vụ.

Ông Nguyễn Văn Hường kể, sau khi rời quân ngũ, về địa phương chí thú làm ăn với 14.000 mét vuông canh tác sầu riêng, xoài cát và một số hoa màu khác. Năm 2008, sau khi thăm dò thị trường, tham quan một số điểm trồng, ông Hường quyết định chọn cây cau vàng để đầu tư. Từ đó, ông Hường được xem là người đầu tiên khởi xướng đầu tiên mô hình “trồng cau vàng bán lá” tại xã Quới Thiện...

Ông Hường cau vàng kể lại : “Ban đầu tôi trồng thử khoảng 1.000m2 cau vàng dưới tán lá xoài Cát Chu. Thấy cau vàng phát triển rất tươi tốt, thương lái đến đặt hàng liên tục, giá bán cao, tôi mạnh dạn mở rộng thêm 13.000m2. Ai ngờ, tiền bán lá cau vàng so với việc trồng cây ăn quả cao hơn nhiều. Bình quân, thu nhập tiền bán lá cau vàng của nhà tôi từ 28-30 triệu đồng mỗi tháng”.

Ông Nguyễn Văn Hường cho biết, người trồng cau vàng  sẽ thu hoạch từ 7 đến 8 lần trong năm. Số tiền lãi từ mỗi 1.000m2 trồng cây cau vàng sẽ là 2,5-3 triệu/vụ.

Thấy lợi nhuận từ vườn cau vàng bán lá của ông Hường khá cao nên đã có hàng trăm hộ đến tìm hiểu và áp dụng vào dưới những táng cây sầu riêng, xoài Cát Chu, xoài Đài Loan và đều có thu nhập rất khả quan.

Ông Đoàn Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quới Thiện phấn khởi nói : “ Từ cách nghĩ, từ mô hình trồng cau vàng chỉ để bán lá của nhà anh Hường, nhiều hộ đã làm theo và rất thành công bởi nguồn lãi rất cao, lá cau vàng lúc nào bán cũng chạy như tôm tươi, nguồn cung ứng không đủ bán. Xã Quới Thiện hiện có đến 400 ha trồng cau vàng chỉ để bán lá-là xã có diện tích trồng cau vàng bán lá nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long”.

Ông Nguyễn Văn Hường trồng cau vàng chỉ để bán lá. Với 14.000m2 (14 công đất) trồng cau vàng dưới tán cây ăn quả, mỗi tháng gia đình ông thu 28-30 triệu đồng.

Điều rất mới và độc đáo trong cách làm của ông Nguyễn Văn Hường là ông trồng cau vàng dưới các tán cây ăn quả trên toàn bộ diện tích đang trồng xoài Cát Chu (10.000m2); sầu riêng giống 6 Ri ( 4.000m2). Mô hình này được gọi là  “2 tầng sinh thái” đã và đang phát huy hiệu quả trên địa bàn xã Quới Thiện bởi cây cau vàng phát triển rất nhanh, tốt, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, trong khi đó vẫn thu được lợi nhuận từ cây ăn quả.

Ông Hường giải thích thêm: “Khi phun thuốc dưỡng trái cho xoài, sầu riêng, lượng thuốc dôi dư sẽ rơi xuống làm tốt cau vàng bên dưới. Ngược lại khi bón phân cho cau vàng bến dưới, lượng phân dư sẽ làm tốt cho các gốc cây ăn trái có tán ở bên trên.

Trồng cau vàng dưới tán cây ăn quả có cái hay là khi phun thuốc dưỡng trái thì cây cau vàng được hưởng lợi, khi bón phân cho cau vàng thì cây ăn trái cũng được "thơm lây".

Với cau vàng, ông Hường gieo hạt từ 30-35 ngày mọc mầm. Sau 12 tháng trồng, cây cau vàng có thể cho cắt lá bán. Mỗi lượt thu hoạch lá cau vàng cách nhau khoảng 40 ngày. Mỗi 1.000m2 sẽ thu được xấp xỉ 10.000 tàu lá cau vàng. Giá bán lá cau vàng hiện nay là 400 đồng/tàu. Những lúc cao điểm như lễ, tết giá bán mỗi tàu cau vàng từ 450-500 đồng.

 

Ông Hường cho hay, thị trường tiêu thụ lá cau vàng chủ yếu vẫn là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong suốt quá trình, vận chuyển, lá (tàu) cau vàng luôn được bảo quản trong kho, xe lạnh.

Trồng cau vàng bán lá mang về nguồn thu cho gia đình ông Nguyễn Văn Hường hơn 350 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, ông vẫn thu được hơn 1 tỷ đồng tiền bán xoài Cát Chu, xoài Đài Loan và sầu riêng Ri6.

Không chỉ có nguồn thu nhập khá ổn định từ lá cau vàng, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Hường còn rất thành công trong việc canh tác sầu riêng, xoài Cát Chu, xoài Đài Loan với nguồn lãi mỗi năm xấp xỉ 1 tỷ đồng. Riêng năm 2018, ông Hường ước tính sẽ lãi từ 1,2-1,3 tỷ do sầu riêng “ sốt giá”. Chưa dừng lại ở đó, tận dụng những bờ liếp trống, những khoảnh đất xung quanh nhà, ông Hường còn trồng nhiều loại kiểng lá để có thêm hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Làm chơi ăn thiệt, nhẹ công chăm sóc, ít rủi ro, tận dụng được khoảng không gian rộng lớn dưới các tán cây ăn quả-đó là tất cả những ưu điểm của mô hình trồng cau vàng bán lá của ông Nguyễn Văn Hường.

Nên đọc
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo