Tin tức - Sự kiện

Lách luật để tăng giá sữa

Thiếu chuẩn hóa tên mặt hàng khiến các doanh nghiệp “lách luật” và cơ quan quản lý nhà nước không đủ cơ sở để quản lý giá sữa là quan điểm được Cục Quản lý Giá- Bộ Tài chính đưa ra khi thời gian gần đây các hãng sữa liên tục điều chỉnh tăng giá bán.
Kết quả theo dõi từ Cục quản lý giá- Bộ Tài chính cho thấy: từ ngày 1/1/2013 đến nay một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi tăng giá bán đã thực hiện gửi thông báo giá bán sản phẩm của công ty về Cục Quản lý giá, cụ thể: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) gửi kê khai giá 15 mặt hàng (trong đó có 12 mặt hàng mới), 3 mặt hàng tăng giá với mức tăng 15-16% áp dụng mức giá áp dụng từ 2/1; Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) tăng 3 mặt hàng, mức tăng 9-10%, mức giá áp dụng từ 5/1; Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3 A Việt Nam gửi thông báo giá 39 mặt hàng, có 31 mặt hàng tăng giá, mức tăng khoảng từ 2- 9,5 %, mức giá áp dụng từ 1/2/2013; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam gửi kê khai giá 40 mặt hàng, mức tăng khoảng 9 %, mức giá áp dụng từ 15/2/2013.
 
Trao đổi với báo giới trong cuộc gặp mặt cuối tháng 3/2013 về tình hình tăng giá sữa và các sản phẩm dinh dưỡng của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá- cho biết: theo thông báo giá của các công ty gửi đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) thì không sản phẩm nào ghi là sữa; nguyên nhân tăng giá được các doanh nghiệp cho biết là do thời gian qua giá vốn hàng bán thay đổi, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí tiền lương điều chỉnh tăng nên doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán.
 
Trước đó, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực giá đối với mặt hàng sữa trong tình hình hiện nay, Cục Quản lý giá đã báo cáo Bộ Tài chính và có công văn số 1484/BTC-QLG ngày 29/1/2013 gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn tạm thời về việc đăng ký giá, kê khai giá. Công văn số 3181/BTC-QLG ngày 12/3/2013 cũng đã đề nghị Sở Tài chính tại địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết giá; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.
 
Thực tế là Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng. Trên cơ sở tiêu chuẩn này, nhiều sản phẩm trước đây được ghi là sữa và đăng ký giá tại Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã được doanh nghiệp thay đổi tên gọi và đăng ký với tên gọi mới như thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...
 
Để hạn chế tình trạng “lách luật” của nhà sản xuất, phân phối sữa, ông Tuấn cho rằng: Bộ Y tế phải sớm chuẩn hóa tên mặt hàng, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không. Với mặt hàng sữa bột, Cục Quản lý giá đã đã kiến nghị Bộ Công Thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra ba vấn đề về thương phẩm, chất lượng và giá cả mặt hàng chứ không thể chỉ kỳ vọng riêng vào giá.
 
 
 
 
Công Duy
Theo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo