Thị trường

Lại bạt mía để trồng bưởi, nuôi tôm

Hậu Giang, Sóc Trăng là 2 tỉnh dẫn đầu diện tích trồng mía ở ĐBSCL. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, mía liên tục rớt giá khiến nhiều hộ nông dân lâm cảnh lao đao, đành bỏ mía để trồng bưởi, nuôi tôm

Nhiều hộ phá mía trồng cây ăn trái.

 

Chị Lê Thị Triệu ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Mấy chục năm nay gia đình tôi chỉ sống nhờ vào cây mía. Do giá cả bấp bênh khiến mọi người lo âu, buộc phải tìm lối ra. Hiện tại, mỗi công mía chỉ bán được 5 - 6 triệu đồng, trong khi đó chi phí phân bón, giống, thuê nhân công hơn 7 triệu rồi...”.

 

Cách đó không xa, anh Lê Thành Phương cho biết: "Cây mía từng giúp gia đình tôi đổi đời. Con cái được học hành đến nơi đến chốn. Năng suất mía năm nào cũng đạt 12 - 13 tấn/công. Mấy năm trước, khi cây mía được giá, chúng tôi làm ăn có lãi. Nhưng hơn 2 năm nay, giá xuống thấp khiến nhiều bà con cảm thấy hoang mang, lo lắng".

 

Được biết, 2 năm qua giá mía liên tục giảm từ 20 - 25%. Năm 2013, giá mua tại nhà máy là 910 đ/kg loại 10 chữ đường, còn mua tại rẫy thì ở mức từ 700 - 800 đ/kg tùy theo quãng đường vận chuyển. Năm nay, giá mua tại rẫy chỉ còn 500 đ/kg, thấp nhất so với các năm rồi.

 

Nói đến cây mía, bà con nông dân có nhiều nỗi niềm. Ngoài suốt ngày lam lũ, mình trần chân đất còn phải đối phó với thương trường. Người trồng không tự quyết được giá cả mà hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường.

 

Hơn nữa, giá phân, thuốc cứ tăng, tiền công lao động cũng tăng theo, nhất là khâu đốn, vận chuyển mía, khiến họ cảm thấy ngày càng đuối sức. Năng suất mía bình quân 12 tấn/công, với giá bán hiện nay chỉ thu 6 triệu đồng, trừ chi phí chưa lấy lại được tiền vốn.

 

Chính vì thế, nhiều nông dân ở xứ cù lao đã quyết định chuyển đổi để tự cứu lấy mình. Một nông dân vừa mới chuyển sang nuôi tôm ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung cho biết, việc nuôi tôm giờ cũng lắm rủi ro, tỉ lệ thành công cũng chỉ ở mức 20 - 30%.

 

Lý do đa phần nông dân ở đây chưa có kinh nghiệm, khi dịch bệnh xảy ra không có biện pháp ngăn ngừa làm tôm chết hàng loạt. Bên cạnh đó, đầu ra cũng bấp bênh nên nếu bám vào cây mía thì không thể khá được.

 

Theo thống kê của huyện Cù Lao Dung, năm 2014, diện tích mía của toàn huyện là 7.399 ha giảm 816 ha so với cùng kỳ. Trong đó, có 347 ha chuyển sang nuôi tôm.

 

Còn tại Hậu Giang, nhiều nông dân ồ ạt chuyển sang trồng bưởi, cam sành khi thấy loại cây trồng này cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần cây mía.

 

Đây là năm thứ 4 liên tiếp gia đình chị Huỳnh Thị Thêm ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp ăn mía “đắng”. May mắn hơn nhiều chủ ruộng mía khác khi gia đình chị vừa bán được gần 7 công mía cho thương lái tại địa phương với giá 700 đ/kg mà phải vận chuyển đến tận ghe.

 

Trong khi đó, tiền thuê nhân công đốn mía đã mất 140.000 đ/tấn. Như vậy sau khi trừ chi phí gia đình chị coi như trắng tay.

 

Chị Thêm cho biết: “Gia đình tôi trồng mía nhiều năm rồi mà thấy không có dư. Năm nay, tôi quyết định chuyển sang trồng cam sành mà không biết kết quả thế nào. Biết rằng, cam trồng đến 3 năm mới cho thu hoạch”.

 

Đó cũng là dự định và cách làm của nhiều hộ nông dân khác. Ông Đoàn Văn Sinh cùng ở xã Hiệp Hưng, nói: “Riêng tôi đã gắn bó với nghề trồng mía này mấy chục rồi, nhưng mà cứ như giá mía năm nay thì khó mà trụ vững. Thấy vậy, người ta chỉ mình trồng bưởi nhẹ vốn mà lợi nhuận cao nên mua về trồng theo”.

 

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: "Xã Hiệp Hưng và Tân Phước Hưng nằm trong vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Các xã này có điều kiện giữ vững nguyên liệu cho nhà máy đường thì vừa qua một số nông dân đã tự chuyển đổi. Trong khi đó, ngành nông nghiệp chỉ khuyến khích chuyển đổi ở ngoài vùng nguyên liệu. Vì thế bà con cần hết sức lưu ý. Với 10.000 ha mía trong vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chuyển giao KHKT để thu nhập của bà con được tăng lên".

Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo