Tin tức - Sự kiện

Lại đẩy khó cho dân!

Bộ GTVT lại đề xuất biện pháp phải chứng minh có nơi đỗ xe khi đăng ký xe ôtô cá nhân nhằm khắc phục tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng làm nơi đỗ xe

 

Đây là biện pháp từng thất bại khi áp dụng trên địa bàn TP.Hà Nội.

Còn nhiều người dân ở TPHCM đã phản ứng gay gắt về đề xuất này. Liệu đây có phải là cách làm cảm tính và thiếu khoa học, thậm chí vi phạm luật, giống như trước đây đã từng áp dụng chuyện chỉ cho mỗi người dân đứng tên một chiếc xe?

Thiếu điểm đỗ xe nên lòng đường, vỉa hè đều được ôtô “trưng dụng”.    Ảnh: vinh hải
Thiếu điểm đỗ xe nên lòng đường, vỉa hè đều được ôtô “trưng dụng”. Ảnh: vinh hải

Đỗ xe sai, sao không phạt?

Ông Nguyễn Trang (quận Bình Thạnh, TPHCM) bức xúc: “Đây quả là chuyện ngược đời, vừa không có tình mà cũng chẳng có lý. Bởi, luật nào quy định người dân không chứng minh được chỗ đỗ xe ôtô thì Nhà nước lại không cho họ quyền mua sắm phương tiện sử dụng? Chưa hết, nếu mà áp dụng việc này, thì lại xảy ra tình trạng “chạy” chỗ đỗ xe, để qua mặt cơ quan chức năng, hoặc làm chỗ đỗ xe... giả và cả việc cò, môi giới kiếm sống trên kiểu áp đặt này”. 

Cũng như ông Trang, nhiều người khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động đều ngao ngán, vì cho rằng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cứ loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán kẹt xe, ùn tắc, nhưng lại đưa ra những đề xuất không phù hợp. Hiện nay, tại TPHCM, xe taxi của nhiều hãng và cả loại xe taxi chui, taxi dù suốt ngày đỗ ngoài đường, chạy rông không có khách. Vậy số xe taxi này đỗ ở đâu, đường nào, tuyến nào, hay bãi đỗ nào? Sao Bộ GTVT không tính đến chuyện quản lý xe taxi, nếu muốn hoạt động thì phải có bến bãi đỗ. Hiện nay, hầu hết những xe taxi, cả xe hãng thường đỗ ngoài đường, ven phố, vỉa hè... đó là chưa kể việc xe taxi đỗ tràn lan, chen lấn nhau, gây hỗn loạn giao thông tại những điểm công cộng. 

Không bức xúc như nhiều người dân ở TPHCM, nhưng anh Ngô Thanh Tính ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) lo ngại tính khả thi khi thực hiện. Dẫn chứng câu chuyện của mình, anh Tính cho rằng sẽ rất phức tạp để có được “giấy phép con” chứng minh chỗ đỗ xe. Do không có chỗ để xe nên anh phải gửi xe ở nhà người thân ở phường Vĩnh Phúc. 

Nếu muốn chứng minh có chỗ để xe, anh Tính e ngại sẽ phải xin xác nhận ở phường Nghĩa Tân nơi cư trú, rồi nhờ người thân sang phường Vĩnh Phúc xin một dấu nữa. Nhưng liệu phường Vĩnh Phúc là nơi để ôtô có xác nhận cho chủ nhà không sở hữu xe hay không? Chưa hết, nhiều chủ sở hữu ôtô còn lo ngại trong điều kiện thiếu điểm đỗ xe như hiện nay họ sẽ trở thành “con tin” của các chủ bãi đỗ xe và phải chấp nhận mức giá cao để có được suất đỗ xe hằng ngày. 

Còn anh Nguyễn Hoàng Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng: “Xe ôtô đỗ lấn chiếm lòng lề đường, gây ách tắc thì Bộ Công an chỉ cần thực hiện nghiêm Luật Giao thông và cứ phạt theo Nghị định 34 của Chính phủ. Cần gì phải chứng minh chỗ đỗ xe mới cho đăng ký xe”. 

Khó khả thi

Biện pháp này trước đây đã từng được áp dụng tại Hà Nội và chưa đem lại hiệu quả bởi chủ sở hữu ôtô có nhiều cách để lách luật. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - lo ngại: “Trên thực tế, người mua xe ôtô cá nhân thường ký hợp đồng thuê chỗ đỗ xe giả để được đăng ký xe mới, do vậy nếu đề xuất này được thực hiện thì phải hết sức cân nhắc, nếu không sẽ không đem lại hiệu quả”.

Hà Nội đang thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe.     Ảnh: Giang Huy
Hà Nội đang thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe. Ảnh: Giang Huy

Chính vì vậy, trong công văn của Bộ GTVT cũng đề nghị phải có biện pháp kiểm tra, xử lý các trường hợp ký kết hợp đồng trông giữ xe gian dối để đủ điều kiện đăng ký xe. Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa nêu được đề xuất biện pháp cụ thể cho đề nghị này. 

Theo TS Khuất Việt Hùng – Trường ĐH GTVT - xét về mặt nguyên tắc, trình độ công nghệ giải pháp Bộ GTVT vừa đề xuất hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải triển khai nghiên cứu để có được cơ sở dữ liệu về diện tích đỗ xe ở cả nơi công cộng lẫn diện tích của tư nhân. 

Đồng thời phải có được quy định về nơi được phép đỗ xe bao gồm cả về diện tích, điều kiện phòng cháy chữa cháy... Nhưng để làm được những điều này, theo ông Hùng cần thành lập đề án rồi bộ máy nhân sự thực hiện kèm theo việc phải điều chỉnh các quy định pháp luật và thái độ thực hiện nghiêm túc của người dân. 

Ông Hùng cho biết: “Hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu sẽ quản lý được về trạng thái sử dụng diện tích đỗ xe trên địa bàn TP. Để làm được vậy, các hộ dân đủ điều kiện đỗ xe, các điểm đỗ xe công cộng, điểm đỗ xe thuộc DN, tư nhân phải đăng ký. Khối lượng công việc là rất lớn, theo tính toán của cá nhân tôi, nếu triển khai nghiên cứu ở Hà Nội nhanh cũng phải mất 2 năm”.

Theo Lao động

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo