Tin tức - Sự kiện

Lãi một sào lúa mua được 2 bát phở

Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán, làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố. Trong khi đó, 3kg lúa thu mua tại ĐBSCL chưa bằng giá 1kg ốc bươu vàng bán cho Trung Quốc, nông dân tại các vựa lúa ĐBSCL phải ôm nợ hàng trăm tỷ vì lúa gạo.

Miền Bắc: Một sào lúa mua được... hai bát phở

Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, bà Lê Thị Thới (thôn 6, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vừa quyết định viết đơn gửi UBND xã để trả lại bảy sào ruộng khoán (đất nông nghiệp Nhà nước giao lâu dài cho nông dân) của gia đình cho chính quyền địa phương. Việc tiếp nhận số ruộng của bà Thới trả đang được UBND xã Hà Hải giải quyết.
 
Trước khi làm đơn trả ruộng cho UBND xã, bà Thới cho biết đã hỏi mấy người con trong gia đình nhưng không ai muốn nhận.
 
Ruộng tại Thiệu Giao, Thiệu Hóa, Thanh Hóa bỏ hoang nhiều năm nay
 
Theo tính toán của 26 hộ nông dân ở xã Hà Hải vừa có đơn gửi chính quyền xin trả hơn 5,7ha ruộng thì chi phí cho làm mỗi sào lúa ở địa phương ngày một cao.
 
Cụ thể, bà Thới nhẩm tính chi phí đầu vào cho mỗi sào lúa bao gồm: giống, phân bón các loại, thuốc trừ sâu, tiền cày bừa đất, tiền máy thu hoạch... khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/vụ.
 
Trong khi đó, mỗi sào lúa năng suất đạt 3 tạ/sào, bán được 1,8 triệu đồng, trừ chi phí còn được từ 300.000-500.000 đồng.
 
“Mỗi năm cấy hai vụ, trừ mọi chi phí, mỗi sào lúa còn được 600.000-1 triệu đồng, chia cho 12 tháng thì thu nhập từ một sào lúa/tháng chỉ còn 50.000- 80.000 đồng, chỉ đủ mua hai bát phở trên thành phố” - bà Thới chua xót.
 
Ngoài 26 hộ nông dân viết đơn trả ruộng cho chính quyền xã, hiện nay có hàng chục hộ nhận khoán hơn 11ha đất công ích của xã cũng đã bỏ hoang ruộng đồng nhiều năm nay cho cỏ mọc, làm sân bóng đá, bãi chăn thả gia súc, vì thu nhập từ mảnh ruộng quá thấp.
 
Nhiều hộ dân trong xã sau khi trả ruộng như bà Thới đã chuyển sang làm thợ xây dựng, làm bánh đa, dịch vụ các loại... với thu nhập từ 1-3 triệu đồng/tháng.
 
Tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cũng xảy ra tình trạng tương tự, khoảng 20 gia đình ở xã Lam Sơn đã đồng loạt gửi đơn đến UBND xã để xin trả lại ruộng. 
 
Có người nhiều ruộng với diện tích cả ngàn mét vuông, có người ít ruộng chỉ vài trăm mét vuông với lý do: “không thể tiếp tục canh tác”, “làm ruộng không đủ ăn”... và những người nông dân này cũng sẵn sàng chấp nhận: “Sau này Nhà nước có thay đổi gì về chính sách, tôi không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào với số ruộng đã trả”.
 
Tại khu vực cánh đồng Trại Lợn (thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) nhiều thửa ruộng giờ chỉ một màu xám của đất hoang. 
 
Ông trưởng thôn Nguyễn Ninh Hoạt buồn bã: “Cấy lúa tính ra chỉ được 10.000 đồng/ngày thì sống làm sao. Có lên thành phố, 10.000 đồng cũng chỉ uống được ba cốc trà đá. Nếu muốn ăn bát phở bò (25.000 đồng) thì... mất đứt gần ba ngày công”.
 
Miền Nam: 3kg thóc chưa bằng 1kg ốc bươu
 
Dù giá lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long có thời điểm tăng cao, đầu tháng 12/2013 khi giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.600 đến 5.700 đồng/kg, giá lúa dài khoảng 5.800 đến 5.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm giao dịch trong khoảng 7.600 đến 7.700 đồng/kg tùy từng địa phương, còn gạo 25% tấm giá 7.300 đến 7.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
 
Nhưng với mức này, nếu so sánh với giá của một kg ốc bươu vàng được bán vào thời điểm trước đó cho thương lái Trung Quốc thì 3kg thóc chưa bằng 1 kg ốc bươu. Do giá ốc bươu dao động từ 15.000- 17.000 đồng/kg, có thời điểm còn lên tới hơn 20.000 đồng/kg. Nhiều nông dân tại nhiều tỉnh thành bỏ ruộng đi bắt ốc bươu.
 
Việc giữ lại ruộng còn khiến nhiều nông dân điêu đứng vì ôm khoản nợ lên đến trăm triệu đồng.
 
Bà Lê Thị Boòng (thường gọi Chín Boòng, năm nay 68 tuổi, ở số nhà 79, ấp An Lương, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết, mấy vụ trước, thấy bà con quanh ấp vất vả chuyện phơi, sấy thóc, bà đánh liều dốc ống vốn liếng rồi vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng về đầu tư làm máy sấy thóc, máy cày. 
 
Bà Chín Bòong đã vay nợ ngân hàng 200 triệu đồng bên chiếc máy cày đang phải nằm kho
 
Nhưng làm được một vụ thì máy cày hỏng, còn lò chẳng ai đến sấy. Cơ sự này vì thương lái chỉ mua lúa tươi về bán cho kho nhà máy. Nếu ai tự sấy máy cá nhân, thóc không đảm bảo chất lượng, không bán được, hoặc giá quá thấp.
 
"Tất cả cũng tại nghĩ mình nông dân, phải trông vào ruộng, bám ruộng mà sống nên bao năm tích cóp được đồng nào, tui đều bươn bải mua thêm ruộng. Giờ thì nợ gối nợ vì ruộng… Tui còn vốn liếng gì đâu, hằng ngày sống bằng tiền đi vay không à…”, bà Boòng ngậm ngùi nói.
 
Cùng ấp An Lương, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang, anh Tôn Long Phiến có tới 50 công ruộng. Anh Phiến tính: “Chi phí đầu vào mỗi công ruộng khoảng 2,5 triệu đồng, năng suất lúa được 5 tạ/công. Khi thu hoạch, bán thóc tính ra lỗ khoảng 500.000 đồng/công. Vốn đầu tư, tui vay từ ngân hàng mất khoảng 50 triệu đồng, giờ chịu lãi 1%. Bán hết thóc để trả, vẫn còn nợ khoảng 30 triệu đồng, đang trông vụ tới trúng mùa...”.
 
Trong khi đó, tại các hội nghị về nông nghiệp, về lúa gạo, người ta vẫn nghe thấy ra rả rằng, phấn đấu nông dân làm lúa có lãi 30%.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo