Tin tức - Sự kiện

Lại “nổi sóng” tỷ giá

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (từ 1 đến dưới 12 tháng) từ 8%/năm về 7,5%/năm, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cần tăng cường quản lý tốt tỷ giá. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết: NHNN cam kết sẽ ổn định tỷ giá trong năm 2013, nếu có tăng thì cũng chỉ tăng trong biên độ cho phép.
Lý do mà người đứng đầu NHNN đưa ra là Việt Nam vẫn chủ yếu là một nước nhập khẩu. Hiện, giá trị xuất khẩu của chúng ta đang rất tốt, cán cân thặng dư cao nên việc phá giá VNĐ phải hết sức thận trọng. NHNN khẳng định, sẽ ổn định tỷ giá. "Ổn định chứ không cố định một cách vô lý. NHNN đủ sức ổn định tỷ giá”- ông Bình khẳng định.
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây tỷ giá ít nhiều có biến động. Sau khi giảm khoảng 80 đồng/USD trong tuần trước, giá USD ngân hàng đầu tuần này tăng trở lại. Tại Vietcombank, giá USD đang được niêm yết tại 20.855 – 20.895 đồng, cao hơn 20 đồng so với một ngày trước. Ngân hàng BIDV tăng 10 đồng giá mua và 20 đồng giá bán lên 20.840 – 20.890 đồng. Eximbank cũng nâng giá USD thêm 20 đồng ở cả hai chiều lên 20.830 – 20.900 đồng. Tỷ giá tại Techcombank là 20.790 – 20.895 đồng/USD. Tại sở giao dịch NHNN, giá USD được duy trì tại 20.850 – 20.950 đồng.  
 
Cùng với việc cắt giảm lãi suất VNĐ của NHNN, nhiều ý kiến đưa ra cảnh bảo việc thu hẹp khoảng cách  giữa lãi suất VNĐ và USD dễ  tạo nên dòng chuyển  đổi tiền gửi từ  VNĐ sang USD gây áp lực cho cán cân thương mại khi hoạt động nhập khẩu bắt đầu phục hồi. Đồng thời gây ra lo lắng về nguy cơ đồng Việt Nam mất giá.
 
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng: Điều hành tỷ giá luôn là bài toán khó, đặc biệt là trong một nền kinh tế có độ mở lớn và hội nhập sâu như Việt Nam. Khi định đưa ra bất cứ chính sách nào về tỷ giá luôn phải phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có 5 yếu tố chủ chốt: định hướng điều hành của Chính phủ; định hướng điều hành chính sách tiền tệ; các yếu tố vĩ mô như diễn biến lạm phát, xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài, cán cân thanh toán quốc tế...; diễn biến thị trường quốc tế, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, đặc biệt là diễn biến cung cầu ngoại tệ...
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề tỷ giá luôn nhạy cảm, thời gian qua do có những thông tin  liên tục với nhiều ý kiến đề xuất tăng tỷ giá khiến thị trường băn khoăn. Tuy nhiên, nên bình tĩnh vì hiện nay lạm phát Việt Nam đã thấp xuống, giúp VNĐ mạnh lên. Những yếu tố gây căng thẳng trước đây như nhập siêu, tác động từ thị trường vàng nay đã giảm. Vấn đề còn lại chỉ là giữ cho niềm tin vào sự điều hành ổn định.  
 
Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank, cho rằng:  triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 tiếp tục khó khăn với điểm thắt lớn nhất là thị trường bất động sản. Các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô cạn kiệt dư địa và/hoặc ít khả thi, kém hiệu lực. Mọi phương sách kinh tế mới đây mang nặng tính "kế sách chính trị”. Và như vậy, các yếu tố thuận lợi, giúp cho việc duy trì tỷ giá hiện tại, cơ bản vẫn còn.
 
"Tuy trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nhưng trong trung và dài hạn, xu hướng phá giá VNĐ là phải tính đến với áp lực ngày càng gia tăng do tỷ giá thực hiệu dụng đa phương REER tiếp tục tăng, đặc biệt tăng nhanh hơn trong nửa cuối 2012”, ông Trịnh Quang Anh nhận định.
 
Cụ thể, theo ông Anh, việc giữ tỷ giá cố định suốt giai đoạn vừa qua, tuy giúp NHNN rảnh tay để đối phó với vấn đề lạm phát trong nước, nhưng sẽ tích tụ thêm khó khăn cho tương lai khi khu vực xuất khẩu bị thiệt hại vượt quá điểm cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc neo giữ tỷ giá đối với nền kinh tế.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo