Lãi suất cao, tín dụng sản xuất bị chèn lấn
Doanh nghiệp khốn đốn vì khó tiếp cận vốn
Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, hiện có tới 65% diện tích cà phê của Tổng công ty đã già cỗi, đứng trước nhu cầu cấp thiết phải tái canh. Tuy nhiên, do nợ quá hạn, nợ xấu lớn, DN bị ngân hàng “đóng cửa” các khoản vay. Chính vì vậy, với Tổng công ty Cà phê nói riêng và các DN cà phê nói chung, vấn đề quan trọng hàng đầu lúc này không phải là hạ lãi suất, mà là khả năng tiếp cận được nguồn vốn.
Mặc dù nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên vay vốn, song nhiều DN xuất khẩu nông sản cho hay, họ không vay được vốn trong suốt cả năm qua. Chính vì vậy, mới đây, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề nghị các ngân hàng tiếp tục cho các DN chế biến, xuất khẩu được cơ cấu lại các khoản vay cũ và cho vay mới với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải có giải pháp ưu tiên cấp đủ và kịp thời nguồn vốn với lãi suất phù hợp (khoảng 9%/năm), giúp DN đủ vốn thu mua, chế biến, xuất khẩu, nhất là ngành hàng cà phê, cá tra, gạo...
Không chỉ các DN trong ngành nông sản, mà cả DN sản xuất ô tô và linh kiện cũng khốn đốn vì thiếu vốn. Trong bức “tâm thư” gửi Thủ tướng chính phủ mới đây, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) khẳng định, khó khăn lớn nhất mà DN đang gặp phải là thiếu vốn. Ông Huyên cho biết, tài sản thế chấp bị ngân hàng định giá như sắt vụn chính là một trong những nguyên nhân đẩy DN đến chỗ thiếu vốn, bởi lẽ ra, họ có thể vay thêm 400 tỷ đồng từ chỗ tài sản thế chấp đó.
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương rót vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, song báo cáo của NHNN cho thấy, năm 2013, dòng tín dụng bất động sản vẫn chảy mạnh nhất, với tốc độ tăng tới gần 37%, trong khi các lĩnh vực khác tăng khá chậm. Lý do dễ hiểu là, dù bất động sản ì ạch, song cho vay bất động sản, ngân hàng vẫn có thể nắm được tài sản thế chấp; còn nếu cho vay sản xuất, nguy cơ nợ xấu rất cao hơn.
Theo khẳng định của ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, hiện chỉ có vài chục phần trăm DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn ngân hàng, nên lãi suất dù giảm nữa thì cũng không tác động nhiều đến DN.
Cũng theo ông Cao Sĩ Kiêm, lãi suất đã giảm khá mạnh, song vẫn còn cao gần gấp đôi so với khả năng sinh lời của DN (6 - 7%). Đây cũng là lý do mà Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối vừa đề xuất kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển đối với ngành nông nghiệp xuống còn 5 - 6%/năm (hiện là 11,5%/năm).
Sợ nợ xấu, ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu
Tính đến hết tháng 1/2014, tính chung, tín dụng ngân hàng tăng trưởng âm 0,5%. Trong đó, nhiều ngân hàng có mức giảm mạnh hơn, như tại Ngân hàng OCB, tăng trưởng tín dụng tháng 1 âm 0,8%.
Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, lãi suất giảm, nhưng tiền gửi của ngân hàng này vẫn tăng. Và dù thừa vốn, Ngân hàng vẫn thận trọng cho vay DN, chỉ lựa những DN tốt, đủ điều kiện vay.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lý giải, sở dĩ ngân hàng không dám cho vay là lo sợ nợ xấu mới phát sinh. Chính vì vậy, lãi suất dù có giảm, thì việc DN có tiếp cận được vốn hay không lại là chuyện khác.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, tín dụng đang có những diễn biến lệch lạc, như việc các ngân hàng tập trung vào tín dụng tiêu dùng có tài sản thế chấp và trái phiếu chính phủ. Đây là một thực tế đáng lo ngại, bởi nó khiến dòng vốn cho sản xuất không chỉ bị đóng băng, mà còn bị chèn lấn.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, hầu hết trái phiếu chính phủ bán ra đều được các ngân hàng vét gần hết. Tính từ đầu năm đến nay, sau 4 phiên đấu thầu, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 31.542 tỷ đồng trái phiếu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo