Lãi suất cho vay ở Việt Nam thấp hay cao?
Theo các chuyên gia, lãi suất ở Việt Nam đang cao, gây khó cho doanh nghiệp, còn NHNN cho rằng, hạ lãi suất tiếp chưa chắc đã thông tín dụng.
Câu chuyện về lãi suất và sự tác động của nó đến nền kinh tế tiếp tục hâm nóng Diễn đàn Kinh tế do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức. Bởi tại kỳ Diễn đàn Mùa xuân hồi đầu năm chủ đề này đã được đề cập với nhiều ý kiến đề nghị NHNN phải điều chỉnh lãi suất phù hợp hơn với thực tiễn, cụ thể là giảm lãi suất, để hỗ trợ sản xuất, thậm chí là cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau nửa năm, các chuyên gia vẫn tiếp tục phải “thúc” ngân hàng nhà nước xem xét chính sách lãi suất với hàm ý mức lãi suất hiện không phù hợp.
Chuyên gia: Lãi suất ở Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhìn lại 9 tháng qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, lãi suất cho vay đã giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp để kinh doanh còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, 8 tháng chỉ đạt 6,21%, tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2013. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ của nền kinh tế thấp do tổng cầu yếu.
Còn theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam có 53.192 doanh nghiệp thành lập mới và cũng có 48.330 doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động. Thực tế số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động trong 9 tháng qua vẫn tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, Bộ KHĐT nêu có trên 7.000 doanh nghiệp đã chính thức “khai tử” vì đã hoàn thành thủ tục giải thể, trên 8.400 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động có thời hạn. Có trên 32.000 doanh nghiệp vẫn trong trạng thái chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc tự đóng cửa không đăng ký.
Báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia còn cho thấy, khu vực tư nhân cũng đang chịu sự đối xử thiếu bình đẳng so với khu vực đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Những con số này tiếp tục vẽ thêm nét buồn cho bức tranh về sức khoẻ của đội ngũ doanh nghiệp ở nước ta. Nguyên nhân của thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan tác động của khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, còn có nguyên nhân do mặt bằng lãi suất ở nước ta chưa sát thực tế, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất.
Với thực tế này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh khuyến nghị, nếu tiếp tục chính sách kích cầu chỉ nên kích thích vào khu vực tư nhân. Về mặt kinh tế các doanh nghiệp này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất. Bởi lẽ, ràng buộc và chi phí ở đây là hệ số sinh lời của khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng giảm xuống mức chỉ khoảng trên 1%, trong khi lãi suất huy động là 6 -7% và lãi phải trả ngân hàng trên dưới 10%.
Còn chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược đề cập: Hiện nay, lãi suất của Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới, lãi suất cơ bản là 9%, còn lãi suất cho vay 10 đến 13% trong khi lãi suất ở châu Âu là âm, ở Nhật và Mỹ đều là 0.
Với lãi suất cao như thế, ông Lược cảnh báo rằng, doanh nghiệp làm gì cũng “chết”, không thể cạnh tranh được. Tuy vậy, ông Lược cũng nhìn nhận việc giảm lãi suất là việc khó, nhưng nếu không xử lý chuyện này thì nền kinh tế khó có thể tăng trưởng được.
Không những thế, ông Lược nhấn mạnh rằng, trước đây lãi suất cao đến 18% nhưng vẫn thấp hơn so với lạm phát; còn hiện nay, lãi suất dù đã xuống 6%, thì vẫn cao hơn mức lạm phát là 2%.
Phó Thống đốc: Tín dụng mắc rất nhiều, chứ không phải chỉ là lãi suất
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mặt bằng lãi suất hiện nay đã quay về mức của năm 2006, và chỉ bằng 40% so với mức của cuối năm 2011 (trên 20%/năm).
Không những thế, theo bà Hồng, lãi suất cho vay hiện nay tạo sự ổn định trên thị trường, “việc hạ lãi suất tiếp chưa chắc đã giúp tháo gỡ lưu thông tín dụng. Vì thực tế, tín dụng mắc rất nhiều, chứ không phải chỉ là lãi suất”.
Về những băn khăn của nhiều chuyên gia đối với chính sách điều hành của NHNN liên quan đến lãi suất, bà Hồng giải thích, chính sách điều hành lãi suất của NHNN phải tương ứng với diễn biến của lạm phát. Lạm phát đạt 3,62% tính đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm trước là 3,62%, và kỳ vọng đạt khoảng 5% cả năm 2014.
Do đó, bà Hồng khẳng định: “Lãi suất huy động là 5%/năm. Nhiều ngân hàng cho vay dự án tốt, xuất khẩu chỉ với mức lãi suất 6%/ năm”. Thêm nữa, tính đến 23/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,73% so với cuối năm 2013. Điều này đặt ra kỳ vọng tín dụng cả năm sẽ tăng 10-12%, sát với chỉ tiêu định hướng mà NHNN đặt ra từ đầu năm.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo