Lãi suất còn giảm tiếp
Định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước là từng bước kéo giảm lãi suất, cố gắng đến cuối năm 2013 đưa về 7%/năm (cho vay ngắn hạn) và 10%/năm (cho vay dài hạn).
Lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ về 7%/năm
Phát biểu tại “Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ, ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM” diễn ra cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu lạm phát xuống dưới 7% trong năm nay và trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô ổn định, thì lãi suất cả huy động và cho vay có thể giảm tiếp.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, 3 tháng đầu năm 2013, thị trường đã có chuyển biến tích cực, nhưng khó khăn còn nhiều, nên cần cố gắng hơn nữa mới có thể đạt mức tăng trưởng đề ra (trên 5%). “Chưa biết lạm phát có thấp hơn mức kỳ vọng hay không, nhưng sẽ cố gắng đưa lãi suất về dưới 7%/năm, với mức giảm 0,25 - 0,5%/lần cắt giảm”, ông Bình nói và cho biết, lãi suất cho vay trung, dài hạn sẽ còn giảm, nhưng doanh nghiệp phải chờ thêm một thời gian nữa, vì loại hình tín dụng này không còn nhiều tại ngân hàng (hiện 80% vốn của các ngân hàng là huy động ngắn hạn, trong khi chỉ 30% vốn ngắn hạn được phép cho vay trung, dài hạn).
Hiện lãi suất cho vay đã từng bước được các ngân hàng cắt giảm, song trước bối cảnh thị trường khó khăn, để tìm được khách hàng tốt là không đơn giản, nên cạnh tranh về lãi suất cho vay thấp cũng khiến các ngân hàng lớn lo ngại.
Đại diện Vietcombank cho rằng, hiện nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay quá nhiều, thậm chí thấp hơn cả lãi suất huy động đầu vào, để lôi kéo khách hàng. “Cạnh tranh về lãi suất cho vay là rất cần thiết, nhưng phải đảm bảo cân đối, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, vị đại diện trên cho biết.
Rào cản nợ xấu vẫn rất lớn
Theo một lãnh đạo Agribank, nợ xấu của Agribank trên địa bàn TP.HCM hiện khoảng 5,9 - 6%, chủ yếu rơi vào lĩnh vực bất động sản. Năm nay, Agribank TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 11 - 12%, đồng thời giảm dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích và đẩy mạnh tín dụng khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nợ xấu Agribank đang ở mức cao, nên theo vị lãnh đạo trên, quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN (áp dụng từ tháng 6/2013) sẽ khiến Agribank gặp nhiều khó khăn. Do đó, Agribank đề nghị NHNN xem xét lộ trình thực hiện, cũng như áp dụng các quy định tại Thông tư 02, để có thêm thời gian cơ cấu lại nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu.
Theo các quy định tại Thông tư 02, nợ xấu của Agribank trên khu vực TP.HCM sẽ tăng lên 7.892 tỷ đồng (tương đương mức tăng 69%). Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng dư nợ của Agribank và trong bối cảnh hiện nay, nợ xấu tăng cao sẽ khiến Ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn cho biết, các chính sách của NHNN đang mang lại hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến lãi suất cho vay đã được kéo giảm một cách đáng kể, từ mức tối đa 15%/năm giữa năm 2012, xuống 11%/năm hiện nay. Tuy nhiên, lãi suất hiện không còn là vấn đề duy nhất đối với người cần vốn, mà vấn đề cốt lõi là phải có chính sách để đẩy mạnh sức cầu trên thị trường.
Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước cho rằng, chính sách tiền tệ đã được thực hiện thành công, nhưng quan trọng là phải tìm cách đưa vốn ra thị trường.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm đến 62,8% tổng nợ xấu trên địa bàn Thành phố và tỷ lệ nợ xấu chủ yếu rơi vào các công ty cho thuê tài chính; nợ xấu bất động sản đã phần nào được tháo gỡ, nhưng do mối quan hệ trực tiếp với các khoản vay thế chấp bằng bất động sản, nên dư nợ vẫn là vấn đề quan trọng, cần được tháo gỡ.
Nợ xấu có xu hướng tăng cao, đặc biệt là tại TP.HCM nợ đáng chú ý và nợ nhóm 5 tăng rất cao (62,8%). Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, điều này là không bất ngờ, vì TP.HCM là thị trường lớn. “Quan trọng là, các ngân hàng phải phân loại nợ chính xác, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Chấm dứt việc chưa trích lập dự phòng rủi ro mà vẫn chia cổ tức”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo