Tin tức - Sự kiện

Lãi suất hạ - “Sẵn cỗ” vẫn khó ngồi

Chờ con số CPI chính thức của cả nước trong tháng 3 được công bố, lãi suất ngân hàng có thể hạ thêm một điểm phần trăm, xuống dưới 8%/năm. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã đón đầu xu hướng này khi công bố mức lãi suất huy động mới với mức giảm từ 0,5-10%/năm.
CPI sẽ kéo lãi suất xuống?
 
Chỉ số giá tiêu dùng tại hai thành phố lớn nhất nước trong tháng 3 đã giảm so với tháng 2, mức giảm tại Hà Nội là 0,12% và TP. Hồ Chí Minh là 0,29%. Với mức tăng trưởng âm này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, CPI của cả nước trong tháng 3 sẽ tăng rất thấp. CPI hạ có thể dẫn đến giảm phát nhưng còn 3 quý nữa để thực hiện mục tiêu giữ vững lạm phát ở mức một con số, khoảng từ 7-8%. Vì thế, CPI giảm trong quý I chính là điều kiện tiên quyết để hạ lãi suất. Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Cơ quan điều hành đang chờ chỉ số CPI tháng 3 để đưa ra quyết định phù hợp đối với việc hạ lãi suất; có thể là từ đầu quý II lãi suất sẽ được điều chỉnh. Thực tế là đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm 0,3 so với cuối năm 2012”.
 
Đón đầu xu hướng lãi suất mới, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm lãi suất huy động xuống dưới 8%/năm cho các kỳ hạn ngắn. Vietcombank từ ngày 20/3 lãi suất huy động giảm còn 7,5%/năm cho kỳ hạn 1-3 tháng;
 
Kỳ hạn trên 12 tháng, cũng giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm. Trước đó, ACB cũng đã niêm yết lãi suất tiền gửi có kỳ hạn truyền thống là 7,8%/năm đối với các kỳ hạn từ 1- 6 tháng hình thức lĩnh lãi cuối kỳ và 7,7%/năm đối với hình thức lĩnh lãi hàng tháng; mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 10,8%/năm cho kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng.
 
Thanh khoản đang dồi dào
 
Theo NHNN, đến hết tháng 2/2013, huy động vốn tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hơn hai lần mức tăng 2 tháng đầu năm 2012. Tốc độ tăng huy động vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm đáng kể ở các kỳ hạn từ 3 tuần đến 3 tháng, bình quân có mức giảm từ 0,03% (kỳ hạn 3 tuần) đến 0,75% (kỳ hạn 1 tháng); riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất bình quân giảm 4,07%. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra sự dồi dào thanh khoản và lãi suất “dễ chịu” trên hệ thống”. Chính vì thế, người đứng đầu ngành ngân hàng đã kêu gọi toàn ngành phấn đấu đưa lãi suất tiền gửi về dưới 8%/năm và tiền vay trong khoảng 13%/năm. “Những ngân hàng nào muốn giữ được khách hàng thì nên nhanh chóng giảm lãi vay, còn khi thị trường hồi phục mới chịu giảm, chắc chắn thị phần sẽ bị hao hụt”- Thống đốc nói.
 
Phân tích của giới chuyên môn cho rằng, đợt hạ lãi suất tới đây các ngân hàng thương mại chỉ có thể thực hiện tối đa là 1% chứ không phải 1 - 2% mỗi lần như năm trước; thậm chí mức giảm 1% có thể dành cho cả năm 2013. Tuy nhiên, dù giảm nhiều hay ít thì đây cũng được coi là tín hiện tích cực cho nền kinh tế, bởi cho dù đã có hàng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng thương mại bơm ra nhưng vì lãi suất vẫn chưa như kỳ vọng nên dù “sẵn cỗ” mà không mấy doanh nghiệp ăn được. Khảo sát một số doanh nghiệp cho thấy: Với thực tế hiện nay, lãi suất cho vay từ 11- 13%/năm là hợp lý cho nền kinh tế.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo