Thị trường

Lãi suất huy động có xu hướng tăng nhưng sẽ không biến động mạnh

(DNVN) - BVSC cho rằng, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ không để biến động quá mạnh bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp.

Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 9/2015. Báo cáo dự báo những tác động của tỷ giá đến các khía cạnh của nền kinh tế như lạm phát, lãi suất, nợ công... trong thời gian tới.

Lãi suất tăng nhưng không quá mạnh

Đánh giá tác động của tỷ giá đến lãi suất cuối năm, BVSC cho biết, những biến động về tỷ giá tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

VSC cho rằng nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng. Tuy nhiên NHNN sẽ không để lãi suất biến động quá mạnh. Ảnh Internet.
BVSC cho rằng nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng. Tuy nhiên NHNN sẽ không để lãi suất biến động quá mạnh. Ảnh Internet.

BVSC phân tích, sau 3 tuần tăng mạnh lãi suất liên ngân hàng hiện đã tạm thời ổn định trở lại nhưng xác lập một mặt bằng cao hơn tương đối so với tuần đầu tháng. Bên cạnh đó, các phiên đấu thầu Trái phiếu Chính phủ gần đây không nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức tín dụng. Trong ba tuần trở lại đây, các nhà đầu tư thường đặt mức lãi suất đầu thầu cao hơn mức mà KBNN ấn định (6,4-6,5%/năm) và dẫn đến tỷ lệ trúng thầu giảm xuống mức thấp. Điều này phản ánh kỳ vọng của các tổ chức tín dụng đối với lãi suất đang theo hướng tăng lên.

BVSC cho rằng, với những tín hiệu này và để giữ vững niềm tin của người người gửi tiền vào VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh kỳ vọng về lạm phát đang ở mức thấp và Chính phủ đang muốn duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp. Như vậy, chúng tôi cho rằng mặc dù có xu hướng tăng nhưng mức độ điều chỉnh của các ngân hàng có thể sẽ không lớn, khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm", báo cáo viết.

Sẽ không giảm giá tiền đồng

Đánh giá ảnh hưởng của tỷ giá đến nợ công, BVSC cho rằng, quyết định phá giá tiền đồng của NHNN có thể ảnh hưởng đến gánh năng nợ công của Việt Nam. 

 

Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý, tác động này cần được lưu tâm do qui mô nợ công của Việt Nam đã đạt đến 60% GDP vào cuối năm 2014. Tuy nhiên tác động của việc tiền đồng mất giá 5,1% trong tám tháng đầu năm cần được xem xét trong mối tương quan với cơ cấu vay nợ theo các đồng tiền chủ chốt của Việt Nam.

Theo thống kê gần nhất được công bố bởi Ngân hàng thế giới, cho đến cuối năm 2013 thì cơ cấu nợ công của Việt Nam (bao gồm cả nợ của doanh nghiệp do chính phủ bảo lãnh) là 53,1% bằng USD, 24,8% bằng JPY, 7,4% bằng EUR, 11,4% bằng SDR (quyền rút vốn đặc biệt của IMF), và 3,3% đến từ các đồng tiền khác.

Giả sử cơ cấu nợ trong năm 2015 vẫn duy trì ở mức vừa đề cập thì tỷ lệ mất giá 5,1% của VND so với USD trong tám tháng đầu năm sẽ làm qui mô tuyệt đối của nợ công trong ngắn hạn của Việt Nam tăng lên 2,7% (0.531*5.1%), trong điều kiện là tỷ giá của VND so với các đồng tiền chủ chốt khác như JPY hay EUR không thay đổi. 

Nếu tính cả thay đổi thực tế trong cặp tỷ giá JPY/VND và EUR/VND trong tám tháng đầu năm thì qui mô tuyệt đối nợ công của Việt Nam tăng lên khoảng 3,3%. Việc gia tăng qui mô nợ công do phá giá tiền tệ cón thể làm tăng nguy cơ Việt Nam rơi vào khủng hoảng nợ trong dài hạn, đặc biệt là trong giai đoạn 2017-2018 khi nợ công có khả năng chạm ngưỡng an toàn là 65% GDP.  

Dự báo biến động tỷ giá thời gian cuối năm 2015, từ góc độ chủ quan BVSC cho biết, từ góc độ chủ quan, SBV sẽ khó có thể tiếp tục phá giá tiền đồng do khoảng cách lãi suất tiền gửi VND và USD, sau khi đã tính đến tác động của phá giá từ đầu năm, đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Tổng cộng mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm là 5,1% đã gần bằng biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD trung bình cũng đang vào khoảng 6%. 

 

Theo BVSC, nếu NHNN tiếp tục phá giá thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng nội tệ, làm gia tăng áp lực đô la hóa trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, những diễn biến đến từ kinh tế Trung Quốc (đặc biệt những động thái tiếp tục can thiệp mạnh vào tỷ giá đồng Nhân dân tệ) và khả năng tăng lãi suất của FED (với biên độ mạnh trên 0,5%) có thể là những rủi ro khách quan có thể chi phối đến quyết định của NHNN trong thời gian tới. 

VĂN HẢI
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo