Thị trường

Việt Nam chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN

(DNVN) - Hôm 8/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan đã tổ chức Lễ Công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và nhấn nút công bố chính thức thực hiện.

Tham dự Lễ công bố còn có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, đại diện một số quốc gia Đông Nam Á và tổ chức quốc tế.

Như vậy, cùng với Indonesia, Malaysia và Thái Lan, Việt Nam đã trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên trong khu vực kết nối kỹ thuật ASW. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 7 nước thành viên ASEAN bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. Trong đó, 5 nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12 năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ tham dự lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ tham dự lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, cơ chế một cửa quốc gia được triển khai qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, kết nối các Bộ Tài chính, Công Thương, GTVT. Giai đoạn 2, kết nối các Bộ NN&PTNT, TN&MT, Y tế. Giai đoạn 3, kết nối các Bộ KH&CN, TT&TT, VHTT&DL.

Trong giai đoạn 1, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các Bộ GTVT, Công Thương thực hiện nhiều thủ tục hành chính một cửa liên quan đến các lĩnh vực quản lý tàu biển xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh tại 5 cảng biển quốc tế; thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu có xuất xứ ASEAN (C/O form D) theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mô tô phân khối lớn; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ozone.

Tính đến ngày 27/8, có gần 1.940 doanh nghiệp đã thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trong giai đoạn 2, Cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục mở rộng kết nối với các Bộ NN&PTNT, TN&MT, Y tế. Hiện các Bộ đang thực hiện đào tạo cho doanh nghiệp kết hợp với việc thí điểm từng bước để có thể triển khai theo diện rộng vào cuối năm 2015.

Trong giai đoạn 3, các Bộ KH&CN, TT&TT, VHTT&DL hoàn tất để có thể kết nối Cơ chế một cửa quốc gia trong các lĩnh vực kiểm tra chất lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục kiểm tra chất lượng; cấp phép nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện; đồ chơi trẻ em nhập khẩu. Các thủ tục nói trên sẽ được triển khai trong giai đoạn từ tháng 9/2015 đến hết năm 2015.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về ASW và ANW.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về ASW và ANW.

Theo kế hoạch đã thống nhất giữa các nước thành viên, đến hết tháng 10/2015, toàn bộ 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối đầy đủ vào tháng 12/2015.

Trong thời gian tới, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn cuối năm 2015 tập trung củng cố các thủ tục hành chính đã triển khai và lan tỏa trên phạm vi toàn quốc cho tất cả các đối tượng có liên quan; thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính một cửa quốc gia đã kết nối chính thức; kết nối cơ chế một cửa ASEAN và trao đổi thông tin về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN (C/O mẫu D) và thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) đối với 4 nước đã sẵn sàng (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan).

Giai đoạn 2, từ năm 2016-2020, mở rộng cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các Bộ, ngành về phạm vi, đối tượng. Toàn bộ các thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia được triển khai dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Trong giai đoạn này, cơ chế một cửa ASEAN được kết nối đầy đủ và sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường kiểm soát đối với hàng nhập khẩu.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước ngoặt cho thực hiện cải cách hành chính, tiến tới Chính phủ điện tử. Việt Nam luôn quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính nhằm hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và hiệu lực.

 

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy thương mại, du lịch, đầu tư; đồng thời khẳng định quyết tâm, tích cực-chủ động của Việt Nam trong thực hiện các cam kết cùng các nước trong khu vực hiện thực hóa việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu hoàn thiện quy trình, quy chế và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tổ chức trong nước và nước ngoài để Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở kết quả đạt được, cần có kế hoạch và biện pháp để từng bước mở rộng việc kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về NSW và ASW, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, cơ quan được Chính phủ giao là đầu mối thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN khẳng định quyết tâm sẽ cùng ban Chỉ đạo quốc gia và các Bộ, ngành tập trung hoàn thành đầy đủ các nội dung theo đúng mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời với vai trò là cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam trong triển khai Cơ chế một của ASEAN, Bộ Tài chính Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực và hiệu quả hơn nữa của các thành viên trong ASEAN trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết triển khai Cơ chế một sửa AASEAN nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung vì một ASEAN thịnh vượng và đoàn kết.

Nhấn mạnh hơn về việc thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là một cơ hội lớn để các Bộ, ngành đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại và vận tải quốc tế.

 

Việc chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết giữa các Nguyên thủ các nước ASEAN về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nội khối đảm bảo phát triển bền vững và củng cố vị thể của ASEAN trong giao dịch mại với các đối tác ngoại khối. 

Dưới góc độ hội nhập, Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa AASEAN là một trong những công cụ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi hội nhập, đảm bảo tính sẵn sàng của Việt Nam trong đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước song phương, đa phương liên quan đến hoạt động thương mại và vận tải quốc tế. Trên phương diện quốc gia, đây là bước đi cần thiết thể hiện cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN về một nền hành chính cải cách, hiện đại, chuyên nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nâng cao tính cạnh tranh quốc gia; đảm bảo hội nhập bền vững.

Thông qua cơ chế một cửa điện tử quốc gia, các doanh nghiệp sẽ không phải làm nhiều hồ sơ gửi các bộ ngành liên quan để làm các thủ tục xuất nhập hàng hóa ở cảng, cửa khẩu,…như trước đây. Thay vào đó, toàn bộ các thủ tục, giấy tờ quy định bảo đảm điều kiện thông quan hàng hóa sẽ được quy về một cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối với các bộ ngành. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ cần nộp một bộ hồ sơ điện tử qua cổng một cửa quố gia, các công đoạn sẽ được giám sát trực tuyến, xử lý trên hệ thống chung.
VĂN HẢI
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo