Thị trường

Lãi suất không còn hấp dẫn

Lãi suất huy động của ngân hàng xuống quá thấp sẽ tác động đến tâm lý gửi tiền của người dân và dòng tiền có thể chảy qua các kênh đầu tư khác.

Đến ngày 27-8, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng thấp nhất ghi nhận tại Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ còn 4,5%/năm, tiền gửi kỳ hạn 2 tháng lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 5,75%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,8%/năm; từ 2-9 tháng, lãi suất cao nhất chỉ 5,7%/năm. Tại NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 6%/năm cho kỳ hạn dưới 12 tháng…
 
Tác động tâm lý người dân
Làn sóng hạ lãi suất huy động không chỉ diễn ra ở các NH thương mại quốc doanh, nhiều NH cổ phần cũng điều chỉnh giảm. Từ giữa tháng 8 đến nay, hàng loạt NH cổ phần như OCB, ACB, VPBank, Sacombank, Eximbank… đều giảm lãi suất huy động.
Làn sóng hạ lãi suất huy động không chỉ diễn ra ở khối ngân hàng quốc doanh mà còn tại các ngân hàng thương mại cổ phần
Chị Nguyễn Thị Linh - ngụ quận 9, TP HCM - cho biết cách đây chưa đầy một tháng, chị đến một NH cổ phần chi nhánh đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) gửi tiết kiệm 50 triệu đồng. Lãi suất 5,8%/năm cho kỳ hạn 2 tháng đã là thấp, tại NH này nay chỉ còn 5,3%/năm. “Lãi suất huy động giảm nhưng tôi cũng không biết đầu tư vào đâu vì vàng thì bấp bênh, chứng khoán rủi ro, còn bất động sản đòi hỏi phải có nhiều vốn” - chị Linh băn khoăn.
 
Nói về nỗi lo dòng tiền sẽ chảy sang các kênh khác, ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng khi lãi suất hạ, dòng tiền có thể đổ sang chứng khoán hoặc bất động sản. Tuy nhiên, chứng khoán dù có hồi phục nhưng sức hấp dẫn chưa nhiều, còn bất động sản vẫn chưa khá lên.
 
“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng qua tăng rất thấp, lạm phát được kiểm soát tốt ở khoảng 6%-6,5%. Nếu khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài trên 12 tháng, lãi suất khoảng 7%-7,8%/năm vẫn tốt” - ông Long phân tích.
 
Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, vẫn lo ngại lãi suất huy động xuống quá thấp (dưới 5%/năm) sẽ tác động đến tâm lý gửi tiền của người dân. Dòng tiền khi đó có thể chảy sang các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ…, gây sức ép lên chính sách tiền tệ.
 
Chờ hạ lãi suất cho vay
Đến cuối tháng 7, tín dụng toàn hệ thống NH chỉ tăng khoảng 3,68%. Sau khi giảm lãi suất đầu vào, việc hạ lãi suất cho vay là tất yếu bởi từ nay đến cuối năm, NH thương mại buộc phải tháo vốn để tăng tín dụng và tìm kiếm lợi nhuận (gần 90% lợi nhuận của ngành NH vẫn đến từ hoạt động tín dụng).
 
TS Lê Đạt Chí cho biết tổng kết 6 tháng đầu năm, rất nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh có lãi nhưng không hẳn do hoạt động hiệu quả hơn mà do chi phí tài chính giảm mạnh nhờ lãi suất hạ. “Ngay một số DN tôi làm tư vấn, nửa đầu năm nay cũng tiết kiệm được gần chục tỉ đồng khi các khoản vay NH được giảm lãi suất” - TS Lê Đạt Chí nói.
 
Lãi suất không còn là điều kiện “sống còn” của DN nhưng càng giảm lãi suất cho vay thì sẽ giúp DN tiết giảm chi phí tài chính, chi phí đầu vào để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh. Dù vậy, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng nỗ lực hạ lãi suất để tăng tín dụng trong những tháng đầu năm còn thấp, chưa như kỳ vọng do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Những DN đang vướng nợ, có nhu cầu tín dụng vẫn khó tiếp cận vốn vay dù đã có nhiều nỗ lực từ cơ quan quản lý và NH.
 
Trong báo cáo tình hình hoạt động kinh tế 7 tháng đầu năm 2014, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay nhưng lãi suất huy động có xu hướng giảm nhanh hơn. Đến tháng 7-2014, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng bình quân là 5,53%/năm và cho vay bình quân là 10,08%/năm. Với lạm phát được dự báo tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm nhằm kích thích tín dụng, hỗ trợ DN.
 

Giảm chi phí đầu vào

Ông Trương Đình Long cho biết OCB đã hạ thêm 0,2%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn để tiết giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh cầu tín dụng tăng chậm. Không chỉ OCB, các NH khác cũng đều theo quy luật cung cầu trong việc hạ lãi suất. Hiện sức mua rất yếu, DN “chết lâm sàng” nhiều khiến vốn không đi vào sản xuất.

“DN, người dân không vay tiền để chi tiêu, buộc NH thương mại phải hạ lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Nhiều khoản vay đến tay DN thấp hơn cả chi phí huy động, khi đó lãi suất đầu vào đi xuống nhằm kéo giảm chi phí là dễ hiểu” - ông Long phân tích.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo