Lãi suất Việt Nam thuộc top “khủng” thế giới
Từ năm 2011 và quý 1/2012, lãi suất cho vay thông thường ở nước ta lên tới hơn 20%/năm. Với mức lãi suất nói trên, Việt Nam đang có mức lãi suất cao hơn từ ba đến bốn lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay đối với VNĐ vẫn tiếp tục đứng ở mức cao khi lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh dao động bình quân từ 16,5% đến 20%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 20% đến 25%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, lãi vay cũng phố biến từ 14,5% đến 16%/năm. Tình trạng lãi suất cao đã kéo dài từ lâu và vẫn chưa có nhiều dấu hiệu giảm.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, với mức lãi suất lên tới trên 20%/năm như hiện nay, Việt Nam đang được xếp vào các nước có lãi suất cho vay cao nhất thế giới.
TS Cấn Văn Lực cũng đồng quan điểm khi cho rằng hiếm có quốc gia nào lãi suất cao và duy trì kéo dài như tại Việt Nam. “Hiện tại, lãi suất cho vay tại Trung Quốc tầm 5%/năm, Indonesia cũng mức này, còn Singapore thấp hơn. Trung bình của khu vực từ 6 - 8%/năm.
Đây là mức lãi suất cơ bản do ngân hàng trung ương các nước công bố. Nếu so sánh với trần lãi suất huy động của ngân hàng nhà nước Việt Nam là 13%/năm và đầu ra tức lãi cho vay 16%/năm, thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước cũng đã “một trời một vực”.
Theo quyết định mới nhất của ngân hàng nhà nước, lãi suất cơ bản đã giảm 1%/năm từ ngày 13/3. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm lãi suất huy động tiền đồng xuống 13%/năm. Đối với các doanh nghiệp, lãi suất cho vay chỉ giảm từ 2 - 4%/năm và vẫn còn ở mức từ 17 - 19%/năm.
Lý giải việc lãi suất cho vay ở nước ta luôn ở mức cao, TS Lê Thẩm Dương - trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phân tích: "Ngân hàng huy động được 10 đồng phải trích dự trữ bắt buộc, để lại một phần tiền dự trù thanh khoản, ngân hàng phải mua bảo hiểm tiền gửi cho số tiền này... Số còn lại mới cho vay. Số tiền cho vay này phải gánh cho toàn bộ chi phí trên, kể cả một phần lợi nhuận. Chi phí huy động tăng cao thì tất nhiên chi phí đầu ra buộc phải tăng cao".
PGS - TS Trần Hoàng Ngân - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận xét: “Khi người ta mua giá thấp thì sẽ bán giá thấp, bản thân các NH cũng muốn triển khai cho vay nếu không thì chết. Tuy nhiên một số ngân hàng lách vượt trần lãi suất là do vấn đề thanh khoản và thị trường chưa mang tính nghiêm minh. Đó là lý do lãi suất khó giảm”.
Ngoài ra, TS Lê Thẩm Dương cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác khiến lãi suất chưa thể “hạ nhiệt” trong đó có nguyên nhân do tâm lý "phòng thủ" thanh khoản. Những ngân hàng huy động được tiền thay vì cho doanh nghiệp vay thì lại mang tiền này mua trái phiếu hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng.
Theo TS Lê Thẩm Dương, cho vay trên thị trường liên ngân hàng có tài sản thế chấp và nhanh thu hồi vốn vì kỳ hạn ngắn. Điều này giúp các ngân hàng cho vay khi cần có thể đáp ứng được thanh khoản.
Chính vì vậy mà vốn từ ngân hàng không chảy vào sản xuất.Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay là ngân hàng cổ phần nên chịu sức ép lợi nhuận từ các cổ đông, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng ngày càng tăng nên đòi hỏi việc trích lập dự phòng ngày càng cao.
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới