Lãi vay tiêu dùng cho cá nhân vẫn cao
(thanhnien) Chị Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại của một nhân viên ngân hàng (NH) nước ngoài mời chào: “Chị được vào danh sách khách hàng đặc biệt, bên em sẽ cho chị vay lãi suất (LS) ưu đãi là 19%/năm”. Ngạc nhiên vì mức LS "thấp" mà NH ưu đãi cho mình, sợ có gì nhầm lẫn, chị Thanh hỏi lại thì nhân viên này cho biết: LS tín chấp bình thường mà NH đang áp dụng cho khách hàng vay là 25%/năm, chỉ có những khách hàng đặc biệt mới được hưởng mức ưu đãi 19%/năm.
Ưu đãi trên trời như vậy nhưng LS cho vay của NH nước ngoài cũng chưa thấm vào đâu so với các công ty tài chính cá nhân. Một công ty tài chính chào mời cho vay tín chấp số tiền từ 10 triệu đồng trở lên với LS từ 1 - 1,9%/tháng theo dư nợ ban đầu (tương đương 12 - 22,8%/năm), còn theo dư nợ giảm dần thì LS vay từ 2 - 3%/tháng (tương đương 24 - 36%/năm).
Các NH trong nước tham gia thúc đẩy tín dụng cá nhân khá tích cực từ nhiều tháng trở lại đây. Hầu hết các NH đều có chương trình ưu đãi LS cho khách hàng cá nhân. Những gói lãi suất 0% trong vài tháng vay đầu xuất hiện trên thị trường không còn quá xa lạ với người có nhu cầu. Nhưng sau thời gian ưu đãi, lãi vay lại đội lên mức khá cao. Cách đây 3 tháng, chị Ánh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vay NH 300 triệu đồng để mua nhà. Đây là khoản vay có tài sản thế chấp. NH áp dụng LS cho vay ưu đãi 11%/năm trong 3 tháng vay đầu. Đến tháng vay thứ 4, NH điều chỉnh LS vay lên 15,2%/năm cho 3 tháng tiếp theo. Chị Ánh nhận xét: “Mặt bằng LS huy động đang giảm, người có tiền gửi NH chịu thiệt trong khi NH thì thu lãi đối với người vay khá cao”.
Là NH triển khai cho vay tín chấp với LS 12,7%/năm trên dư nợ giảm dần, phó giám đốc NH cổ phần cho biết dịch vụ này chủ yếu cho giới lãnh đạo, người có vị trí, có thu nhập cao... chứ NH không phổ biến đại trà. Vị phó giám đốc này cũng thừa nhận, các NH hiện đang tập trung vào khách hàng cá nhân khi việc triển khai cho vay doanh nghiệp không rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, mức giảm của LS cho vay cá nhân luôn chậm hơn rất nhiều so với mức giảm của LS cho vay doanh nghiệp là bởi cho vay cá nhân là vay trung - dài hạn nên việc đánh giá ảnh hưởng, tác động trong những năm tới là khó hơn, khả năng thu hồi vốn lâu, phí quản lý tăng hơn so với doanh nghiệp.
Nhận xét về vấn đề này, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng LS cho vay doanh nghiệp giảm trong khi LS cho vay cá nhân vẫn ở mức cao thì cũng có khả năng NH đẩy chi phí sang khách hàng cá nhân. Với những chương trình cho vay với mức LS bất thường như 0% hoặc điều kiện vay quá dễ dãi, khách hàng vay nên cẩn thận xem xét trước khi vay. Trên thực tế, dư nợ cho vay cá nhân chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ cho vay của các NH nên nếu bắt đối tượng khách hàng này phải gánh chi phí, dù là một phần nhỏ thì cũng đủ để lãi vay tiêu dùng cá nhân không thể xuống thấp.
Thanh Xuân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực điện hạt nhân
Chống lãng phí đất đai - Bài cuối: Gỡ điểm nghẽn
Giá heo hơi ngày 13/1/2025: Miền Bắc và miền Trung tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng ngày 13/1/2025: Ngược chiều thế giới, giá vàng trong nước giảm
Cơ hội hợp tác năng lượng cho doanh nghiệp ASEAN
Bitcoin có thể chạm đỉnh mới đầu năm 2025 nhờ những chính sách thân thiện với tiền số của ông Trump