Lạm dụng thuốc bổ
Bổ thành độc
Hơn 2 tuổi, bé N.T.H (phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa biết đi, rụng tóc, mắc bệnh chán ăn, đôi lúc bị rối loạn tiêu hóa.
Tại Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng Tiết chế, Bệnh viện Nhi T.Ư, bé H. được chẩn đoán nguyên nhân có thể do bé uống quá nhiều vitamin D và canxi.
Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng Tiết chế, cho biết đã khám cho rất nhiều trẻ có hiện tượng đi tiểu ra sỏi cũng chỉ vì cha mẹ cho con uống nhiều canxi để mong tăng chiều cao và giúp xương chắc khỏe khiến cơ thể không hấp thu được, canxi tạo thành sỏi gây bệnh cho trẻ.
Theo Th.S Thành Ngọc Minh, Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, nhiều người có quan điểm dùng càng nhiều thuốc bổ càng tốt.
Họ thường mua thuốc cho con uống theo lời mách, truyền miệng “Hằng ngày chúng tôi khám cho cả trăm bệnh nhi. Không ít người khẩn khoản xin bác sĩ kê thêm thuốc bổ cho con. Khi bác sĩ không kê đơn, họ tự ý mua thuốc bổ là các loại vitamin và cho trẻ uống kèm thuốc chữa bệnh”.
Bé M.T.K, năm nay 2 tuổi nhưng chỉ như trẻ một tuổi, nặng 10kg. Bé được mẹ cho uống xirô bổ từ khi mới sáu tháng tuổi kèm men tiêu hóa với mong muốn con thông minh, mau lớn.
Nghe nói vitamin tổng hợp xách tay từ nước ngoài về có nhiều tác dụng, mẹ bé K. mua về cho K uống liên tục gần một năm. Tình trạng biếng ăn và chậm lớn của bé vẫn không được cải thiện.
Đến khi K được gần 2 tuổi, hội chứng biếng ăn càng nặng hơn. Mẹ bé K không khỏi ngạc nhiên khi bác sĩ nói cần chấm dứt dùng các loại thuốc bổ cho bé, cơ thể cháu bé đang dư thừa vitamin và khoáng chất do lạm dụng thuốc bổ trong thời gian dài.
Phải theo đơn
Bác sĩ Thục cho biết lượng vitamin được đưa vào nếu cao quá so với nhu cầu và khả năng hấp thụ của cơ thể sẽ tích lũy ở gan và gây ngộ độc.
Trẻ được bổ sung quá nhiều vitamin A sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, thừa vitamin D, hàm lượng canxi trong máu tăng cao, chức năng của tim, phổi sẽ bị suy giảm đáng kể.
Đã có nhiều trường hợp trẻ con do uống quá liều vitamin A, D bị tác dụng phụ gây tăng áp lực sọ não, lồi thóp phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Vậy mà, nhiều cha mẹ bỏ qua công đoạn tái khám cho con, tiếp tục cho bé uống thêm đơn thuốc cũ, khiến cơ thể trẻ thừa vitamin. Quá trình tác động này thường âm ỉ kéo dài.
Bác sĩ Thục khuyến cáo bất cứ loại vitamin hay thuốc bổ nào khi đưa vào cơ thể cũng phải theo chỉ định của bác sĩ và có tái khám để được theo dõi, điều chỉnh quá trình sử dụng.
Trong khi nhiều người tâm niệm đã là thuốc bổ thì không bổ chỗ này cũng bổ chỗ khác, TS Nguyễn Thị Lâm, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thuốc bổ cũng có một số tác dụng phụ như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ. Dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) dài ngày có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hoá, sỏi thận. Với vitamin C dạng sủi bọt chứa 1g dược chất/viên, tuyệt đối không nên coi là nước giải khát mà cho trẻ uống nhiều. |
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé