Làm giàu từ cây ăn quả ở vùng đất khó Cư Êlang
Từ số vốn ban đầu 30 triệu đồng, anh Mã Văn Cương, dân tộc Nùng, ở xã Cư Êlang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã khởi nghiệp thành công với mô hình vườn cây ăn quả, đem về nguồn thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, anh Cương còn là cán bộ đoàn năng động, nhiệt huyết và có nhiều sáng tạo trong công tác đoàn.
Vườn cây hơn 4ha, trồng các loại cây ăn trái như: cam, quýt, bưởi, vải thiều, của anh Mã Văn Cương, Bí thư đoàn xã Cư ELang, huyện Ea Kar, mới được thu hoạch 2 vụ, nhưng đã trở thành một trong những vườn cây mẫu để nông dân trong xã, trong huyện đến tham khảo học tập.
Ông Đỗ Văn Hưu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cư Elang cho biết, ngoài năng suất, chất lượng vườn cây, thì mô hình kinh tế của Mã Văn Cương còn được đánh giá cao bởi vợ chồng anh đã biết gây dựng sự nghiệp từ số vốn không nhiều. Chỉ với 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, anh khéo léo kết hợp các nguồn vay khác, để đầu tư thành công vườn cây cho doanh thu đến 1 tỷ đồng trong 2 vụ thu hoạch vừa qua.
Theo anh Mã Văn Cương, Cư Êlang là vùng đất nghèo, không phù hợp các loại cây công nghiệp lâu năm, nhưng rất tốt để trồng cây ăn trái. Trong xã, có không ít người đã thành công với mô hình này, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Đối với những bạn trẻ cùng khởi nghiệp trong điều kiện khó khăn như mình, anh Cương chia sẻ, cái khó nhất là linh hoạt các nguồn vốn đầu tư. Còn về mặt kỹ thuật nông nghiệp, bây giờ có nhiều mô hình thực tế để học hỏi, đồng thời cũng dễ dàng tham khảo thêm từ mạng internet.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Cương còn là cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình. Anh tham gia công tác đoàn thanh niên xã từ năm 2009 và giữ chức Bí thư đoàn xã từ năm 2011 đến nay. Anh Hoàng Bình Nguyên, Cán bộ Huyện Đoàn Ea Kar nhận xét, anh Mã Văn Cương đã có nhiều giải pháp tập hợp, giúp đỡ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế. Ngoài ra, anh còn vận động được các nguồn lực để tổ chức các hoạt động tình nguyện, góp phần khởi sắc công tác Đoàn tại địa phương.
Với những kết quả này, năm 2016, anh Cương được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đắk Lắk biểu dương là cán bộ Hội tiêu biểu cấp tỉnh, mô hình kinh tế của anh được chọn là một trong 20 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu cấp tỉnh.
Xã Cư Êlang là xã khó khăn của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 63%. Mô hình trồng cây ăn trái mà Mã Văn Cương tham gia phát triển ở địa phương, đang từng bước mang lại những hiệu quả tích cực, không chỉ giúp nông dân trong xã giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Với các đoàn viên, thanh niên trong xã, sự cần mẫn vươn lên của Mã Văn Cương đã trở thành tấm gương tiêu biểu, khích lệ phong trào thanh niên nỗ lực sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển, đời sống người dân đi lên, xóa nghèo bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'