Lắm “giấy phép cha, cháu, con”: Chỉ khổ doanh nghiệp!
Cản trở mục đích kinh doanh
Quá trình rà soát 398 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng cho thấy có 110 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh. Đồng thời còn có 83 ngành nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, có tới 44 ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ. Ngoài ra, còn có 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Các giấy phép này được ban hành rất đa dạng, phong phú về hình thức tồn tại. Rất nhiều điều kiện khắt khe với việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Thậm chí chẳng phải điều kiện kinh doanh mà chỉ là một thông tư nhưng đã làm thui chột hàng ngàn ý định kinh doanh”, ông Lê Duy Bình, chuyên gia rà soát độc lập thuộc Công ty cổ phần tư vấn quản lý kinh tế Economica Việt Nam nhận định.
“Lý giải của các ngành khi đưa ra điều kiện kinh doanh, họ cho rằng để bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của bên thứ ba và do khả năng quản lý và giám sát của cơ quan Nhà nước”, ông Bình cho biết.
Ngoài lý do các bộ ngành nêu ra, theo ông Bình còn có những lí do khác như hạn chế cạnh tranh để bảo vệ cho một số ngành, doanh nghiệp nào đó hoặc các bộ ngành muốn giữ vai trò gác cửa. Nhiều điều kiện còn xuất phát từ việc khó quản lý thì cấm, thì ra điều kiện, đây có thể cho là biện pháp quản lý dễ nhất.
Sự khắt khe hơn mức cần thiết, thậm chí phi lý của nhiều quy định trên liệu có phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay hay không? Và nên chăng việc trả lại chức năng cho thị trường để sàng lọc doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh? Hẳn rằng mấu chốt chính là việc hiểu được rõ động cơ của từng loại giấy phép, điều kiện kinh doanh chính là cơ sở để cải cách đối với điều kiện kinh doanh đó.
Yêu cầu giải trình cụ thể
Đưa ra ý kiến thảo luận tại buổi tọa đàm về kết quả rà soát sơ bộ do Viện nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 6/10, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết ngày 22/8 Hiệp hội có nhận được văn bản về danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, vị này phản ánh trong đó không hề có thông tin nào giải thích tại sao, căn cứ vào đâu để loại bỏ hay giữ lại các ngành nghề đó.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra kiến nghị nghị các bộ ngành đề xuất danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay cấm kinh doanh phải có giải trình cụ thể, chi tiết tại sao như vậy, có bỏ được không? Nếu bỏ thì phương hại thế nào tới an ninh, môi trường, xã hội?.
Dưới góc độ của mình, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng cần thiết phải làm rõ hơn phương pháp luận và những căn cứ thực tiễn để có thể thuyết phục được Quốc hội, Chính phủ và nhất là các bộ ngành bỏ, bớt một số điều kiện kinh doanh.
“Phải nói rất thực tế, đây là miếng đất màu mỡ để chỗ này chỗ kia có được thêm thu nhập từ việc gây phiền hà cho doanh nghiệp. Chúng ta thấy có giấy phép về phòng mạch, phòng khám bệnh thế nhưng vẫn có trường hợp thẩm mỹ viện Cát Tường, khi sự việc xảy ra mới té ra cơ sở này không có giấy phép. Hay vừa qua có vụ cháy vũ trường Luxury, rồi cũng ngã ngửa là vũ trường không có giấy phép…Còn rất nhiều vấn đề tồn tại ở đây”, ông Doanh nói.
Theo ông, phải có tiêu chuẩn ban hành giấy phép, đòi hỏi đạt được mục tiêu gì, có giấy phép cha, con, cháu thì phải giải thích thế nào là giấy phép cha? Giấy phép con, giấy phép cháu? Tuổi thọ là bao nhiêu, ban hành như thế nào…tất cả những điều đó phải làm cho chính xác hơn.
Để bảo vệ lợi ích cộng đồng thì phải làm rõ hiệu lực của biện pháp hay giấy phép đến đâu, điều này cần phải chứng minh, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cơ quan hậu kiểm.
Lo ngại tình hình sẽ phức tạp hơn bởi hiện nay diện kinh doanh nhiều lên, ngành nghề thêm đa dạng, mức độ vi phạm, thiệt hại gây ra cho xã hội cũng nhiều hơn, việc giảm bớt vì thế trở nên rất nhạy cảm, ông Doanh cho rằng nên có sự đầu tư công sức. Bên cạnh đó cũng cần phân loại, thảo luận với hiệp hội ngành hàng có lợi ích sát sườn, có công văn yêu cầu để hiệp hội phát biểu ý kiến.
“Tôi đề nghị phải thi hành nhất quán, công khai, minh bạch, phòng trường hợp doanh nghiệp đưa ra bản đề nghị, nhưng bị kêu thiếu cái này cái kia, nhưng có chi phí cái là có chứng nhận ngay. Hơn nữa phải lấy ý kiến nhiều hơn, phát huy vai trò các hiệp hội ngành hàng, chứ thực tế có nhiều hiệp hội như là nơi dưỡng lão của các quan chức về hưu”, ông Doanh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo