Làm luật cần dân chủ và minh bạch
Quá trình soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách dân chủ và minh bạch để khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể tiên liệu được trong sản xuất kinh doanh của họ, theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
“Việc thảo các dự thảo luật cần được thực hiện minh bạch và dân chủ. Minh bạch thì không sợ nhóm lợi ích chi phối, và dân chủ không sợ tiếng dân không vọng vào chính sách. Thực hiện được 2 điểm này thì luật Việt Nam không đến nỗi phức tạp nhất thế giới”, ông Huỳnh nói tại Hội thảo vai trò của doanh nghiệp trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do VCCI và Bộ Tư pháp chủ trì sáng nay 13/8.
Một cuộc khảo sát 1.000 doanh nghiệp của VCCI cho thấy, khoảng 85% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 1 tỉ đồng chưa lần nào được cơ quan nhà nước lấy ý kiến khi soạn thảo văn bản pháp luật.
Ông Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty tư vấn VFAM, phàn nàn rằng các cơ quan quản lý nhà nước lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp với các văn bản pháp luật là “rất hình thức”.
"Bây giờ có tình trạng là Hiến pháp nhỏ hơn luật, luật nhỏ hơn nghị định, nghị định nhỏ hơn thông tư. Vậy là văn bản quy phạm pháp luật của các bộ lại là to nhất", ông Tiền nhận xét.
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi có 16 chương, 158 điều dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét trong các kỳ họp tới đây nhằm giải quyết tình trạng này.
Tuy nhiên, ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin & Vechi, cho rằng nếu được ban hành thì Luật sẽ không thay đổi tình trạng hiện nay khi cơ quan hành pháp vẫn là cơ quan nắm vai trò chủ đạo trong quy trình làm luật từ đề xuất, soạn thảo, trình. “Vì thế, dấu ấn và lạm quyền cơ quan hành pháp là không tránh khỏi”, ông Hòa nói, và đề nghị Quốc hội cần tăng cường vai trò của mình trong việc làm luật.
Ông Hòa cũng đề cao vai trò của doanh nghiệp và người dân trong quá trình đó.
Theo Bộ Tư pháp, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trong tổng số hơn 1.500 văn bản được kiểm tra có tới 312 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý, 64 văn bản sai hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung.
TBKTSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo