Lạm phát dưới 6% - con số khó thực thi?
Trong năm 2013, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 6% của Chính phủ sẽ không dễ dàng thực hiện được. Lạm phát thực tế sẽ cao hơn năm 2012, hướng tới mức 10%.
Đây là một trong số những nhận định của TS Nguyễn Đức Thành, thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra tại hội thảo “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách năm 2013” do VEPR tổ chức hôm qua (30.1) tại Hà Nội.
Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, triển vọng kinh tế trong 2013 sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2012. Theo đó, có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm giúp tăng trưởng cả năm đạt cao hơn 2012 nhưng không đáng kể (5,2-5,3%). Về tình hình lạm phát, TS Thành cho rằng sẽ phụ thuộc nhiều vào những diễn biến khó dự báo của giá lương thực, thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2012, nhưng sẽ cao hơn năm 2012.
Chia sẻ nhận định này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, tình hình kinh tế đã và đang diễn ra từ năm 2010 đến nay cho thấy tình hình năm 2013 sẽ tiếp tục rất khó khăn. Động lực để mở rộng sản xuất không còn, doanh nghiệp (DN) chỉ cố gắng cầm cự, nền sản xuất trong nước cũng sẽ không phát triển được.
DN trong nước sẽ tiếp tục phải chịu nhiều sức ép để tồn tại. Theo VEPR, cán cân thương mại trong 2013 có thể thâm hụt nhẹ trở lại khi có sự phục hồi nhất định trong sản xuất cuối năm. Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ và phụ thuộc vào sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước. “Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng tác động đến chính sách của khối DN xuất khẩu đang rất khó khăn vì giá trị cao của VND”, TS Nguyễn Đức Thành nhận xét.
Theo chuyên gia Bùi Trinh, năm 2012 mặc dù xuất siêu 284 triệu USD nhưng GDP chỉ đạt 5,03%, thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Chuyên gia này nhận định xu hướng nhập khẩu và xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng lấn lướt khu vực kinh tế trong nước. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước năm 2000 là 52,98%, giảm xuống còn 36,93% (2012); khu vực FDI từ 47,02% (2000) tăng lên 63,37% (2012).
Cơ cấu nhập khẩu cũng có sự thay đổi đáng kể khi mà khu vực kinh tế trong nước phải “nhường” 24,9% thị phần cho khu vực FDI trong giai đoạn 2000-2012. “Điều này dẫn đến một thực tế là dù GDP (Tổng sản phẩm trong nước) có tăng trong ngắn hạn nhưng ngày càng làm giảm GNI (Tổng thu nhập quốc gia) và quá trình chuyển đổi cơ cấu về sở hữu đang âm thầm diễn ra”, chuyên gia Bùi Trinh nói. Theo ông, khu vực kinh tế FDI dù có tạo ra được một phần giá trị tăng thêm để tính vào GDP nhưng không phải toàn bộ người dân VN được hưởng mà phần lớn phải chi trả sở hữu cho quốc gia khác.
Nhật Minh (Theo TNO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Cột tin quảng cáo