Lạm phát mới biết ai giàu
Năm 2011, nhiều độc giả ngỡ ngàng khi một vài tờ báo đưa tin có đại gia bất động sản ở Hà Nội thường xuyên ăn phở sáng 750.000 đồng/bát phở bò cô-bê (Nhật). Còn có gia đình rồng rắn đi ăn sáng, thanh toán cả chục triệu đồng, bằng gia đình khác tiêu cả tháng.
Ngay khu đất vàng giữa Thủ đô, phía sau sự tráng lệ, hào nhoáng và xa hoa Keangnam, là khu tái định cư B11B Nam Trung Yên, nhếch nhác, nghèo khổ. Ở đó, có những gia đình như ông Nguyễn Viết Chúc, vừa bán trà chén, vừa tranh thủ nuôi thêm đàn gà trên hành lang căn hộ, mới có tiền nuôi ba miệng ăn.
“Ở đây cái gì người ta cũng cấm, cấm nuôi chó mèo, gà..., cấm cả bán hàng. Cấm là vậy nhưng vì cuộc sống nên ai cũng làm, họ cũng chẳng kiểm tra hết được” - ông Chúc cho hay. Tính ra, mỗi ngày ông Chúc cũng chỉ kiếm được dăm ba chục ngàn, bằng một hai lần phí gửi xe máy tại toà nhà Keangnam.
Lý giải chuyện chênh lệch giàu, nghèo, ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, lấy hình ảnh ngay trong một gia đình, cùng bố mẹ sinh ra còn có người giàu, kẻ nghèo. Huống hồ, trong xã hội, mỗi người có điểm xuất phát khác nhau, trí tuệ cũng chẳng tương đồng...
Nên chênh lệch giàu nghèo là chuyện bình thường của xã hội. Nó chỉ không bình thường, khi vượt qua ngưỡng an toàn.
Như phong trào “Chiếm Phố Wall” nổ ra ở Mỹ, sau đó lan khắp châu Âu hay phong trào biểu tình ở nhiều nước Trung Đông, ngoài vấn đề dân chủ, cũng có nguyên nhân từ chênh lệch giàu nghèo.
Ngưỡng an toàn
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2011, về kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần. Trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam đạt 1,387 triệu đồng/người/tháng, thì nhóm nghèo nhất mỗi tháng một người chỉ thu nhập 369.000 đồng, còn thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất lên tới trên 3,4 triệu đồng. Khoảng cách này đang giãn ra ngày càng rộng.
Theo ông Ngô Trường Thi, ngưỡng của sự giàu nghèo được tính bằng chỉ số Gini Index (Gini Index biểu thị độ bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế - PV). Khi nào, chỉ số này vượt quá 0,4% sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội, là nguyên nhân của hiện tượng đình công, xung đột giữa các vùng, các nhóm lợi ích, thậm chí sẽ là cuộc cách mạng thay đổi sự không bình đẳng.
Ở Việt Nam, hiện chỉ số Gini Index ở dưới 0,4. Theo đánh giá của các tổ chức Quốc tế, phân bố thu nhập ở Việt Nam hiện vẫn ở mức an toàn.
Tuy nhiên, chỉ số trên không bất biến, nếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không gắn với đảm bảo an sinh, công bằng xã hội, thì không thể có phát triển bền vững. Trong tính toán chênh lệch giàu nghèo, phân xã hội thành 5 nhóm thu nhập: 20% rất cao, 20% khá, 20% trung bình và 20% nghèo.
“Nếu không có giải pháp thúc đẩy nhóm 20% nghèo, như tiến hành các chương trình chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, chương trình ưu tiên cho các vùng khó khăn... thì chắc chắn mức chênh lệch giàu nghèo ngày càng cao”, ông Thi nói.
Để kéo khoảng cách giàu nghèo gần nhau, Việt Nam đã có những chính sách an sinh xã hội đối với nghèo như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, đi học và học nghề được miễn giảm học phí, nhà ở được hỗ trợ, hỗ trợ giống cây, con... để hộ nghèo không quá nghèo.
Tuy nhiên, theo ông Thi, chính sách thuế đánh vào nhóm 20% người giàu, còn nhiều bất cập. Vì vậy, việc điều tiết thu nhập, còn nhiều lỗ hổng. Nên bộ phận người giàu nhanh giàu thêm do trốn được nhiều loại thuế hoặc có những tài sản của họ chưa bị đánh thuế.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động