Lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới?
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố báo cáo toàn cầu cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2013.
(HQ Online) - Theo đó, nhóm nghiên cứu dự báo lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới và những rủi ro lạm phát sẽ quay trở lại vào quý 4-2013 trong bối cảnh giá thực phẩm, giá năng lượng và lương tối thiểu gia tăng. Dự kiến, đến cuối năm 2013, lạm phát sẽ đạt 8,0% so với cùng kì năm ngoái.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm chạp là một trong những động lực cho đợt cắt giảm lãi suất gần đây nhất. Trong giai đoạn từ cuối năm 2012 đến tháng 4-2013, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%. Kết quả này dù cao hơn so với con số tính đến tháng 3 nhưng vẫn còn xa vời so với mục tiêu 12% mà Chính phủ đề ra cho năm 2013. Lãi suất cao có thể là nguyên nhân khiến cho hoạt động tín dụng tăng trưởng yếu ớt.
“Tuy nhiên, liệu mức lãi suất được giảm xuống có thực sự làm giảm chi phí huy động vốn và thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng hay không vẫn còn là dấu hỏi” – bản báo cáo ghi rõ.
Theo đó, do quy mô của hoạt động tái cấp vốn còn khiêm tốn so với hoạt động cho vay, việc lãi suất hạ sẽ không trực tiếp giúp giảm thiểu chi phí huy động cho các ngân hàng. Quan trọng hơn nữa, chi phí huy động giảm cũng không hẳn sẽ giúp hoạt động cho vay khởi sắc hơn. Tình trạng thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng cho thấy việc các ngân hàng thiếu tự tin trong công tác quản trị và khả năng giải quyết nợ xấu còn là một vấn đề hóc búa hơn nữa đối với bài toán thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, lo ngại của các ngân hàng về chất lượng bảng cân đối kế toán cũng như lo ngại của người vay về triển vọng kinh tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm chạp trong thời gian qua. Để xóa bỏ những rào cản đó đòi hỏi quá trình tái cấu trúc nền kinh tế phải được thực hiện một cách quyết đoán.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhóm nghiên cứu, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đã diễn ra một cách chậm chạp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam từ 5,8% xuống 5,2%, phản ánh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu lại đánh giá cao vai trò của trái phiếu Chính phủ và cho rằng “trái phiếu Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”
Hiện tại, lợi suất trái phiếu Chính phủ kì hạn 2 năm đang nằm ở mức 7,2%, cao hơn so với lãi suất tái cấp vốn. Sự chênh lệch này được dự báo sẽ thu hẹp trong bối cảnh các ngân hàng tận dụng triệt để hoạt động tái cấp vốn nhằm đảm bảo thanh khoản. Do đó, lãi suất tái cấp vốn cũng bao gồm mức phí bù rủi ro, phản ánh tình trạng khó khăn của người đi vay.
Nguồn cầu trái phiếu Chính phủ Việt Nam chủ yếu đến từ khối ngân hàng. Theo bản báo cáo, lãi suất đi vay của ngân hàng sẽ giảm song song với lãi suất tái cấp vốn, do đó, nguồn cầu trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ kì hạn 2 năm có thể sẽ chạm đáy ở mức 6,5% so với mức 7,2% hiện tại và mức 7,7% dự báo trước đó. Việc lạm phát tăng tốc vào nửa cuối năm 2013 sẽ hạn chế sự gia tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ khi mức lãi suất thực giảm sẽ làm suy yếu nhu cầu của các ngân hàng đối với trái phiếu Chính phủ. Các nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ xem xét đến chi phí giao dịch và những rủi ro ngoại hối khi đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Việt Nam. “Chúng tôi dự đoán NHNN sẽ hạ giá đồng Việt Nam 2 - 3% trong năm nay và tỷ giá USD/VND sẽ đạt mức 21.000 đồng trong quý 4-2013” – nhóm nghiên cứu nhận định.
Nguyễn Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo