Lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi
Gỗ được kẹp phao bỏ trôi theo dòng sông Tang khi phát hiện có lực lượng công an tuần tra.
Ngay sau khi hồ chứa nước Nước Trong được ngăn dòng tích nước thì tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên dòng sông Tang thuộc huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi diễn biến hết sức phức tạp.
Rất nhiều phách gỗ rừng bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ và vận chuyển từ những khu rừng ở huyện miền núi Tây Trà về tập kết dọc theo bờ sông Tang (gần bờ đập của hồ chứa nước Nước Trong).
Khi đêm xuống, lâm tặc sẽ đưa phách gỗ đi tiêu thụ bằng những phương tiện đã được bố trí sẵn. Tình trạng này đã xảy ra nhiều tháng nay, nhất là tại xã Trà Thọ nhưng lực lượng kiểm lâm huyện Tây Trà gần như bất lực vì thiếu lực lượng truy quét.
Ông Trần Hải, kiểm lâm viên địa bàn xã Trà Thọ cho biết, qua nhiều lần lực lượng chức năng tổ chức truy quét, lâm tặc rất cảnh giác, thấy có động chúng lập tức lẩn trốn và rất khó đuổi theo.
Do đó, lực lượng kiểm lâm huyện Tây Trà đã tổ chức hàng chục đợt truy quét trên khu vực lòng hồ nhưng vẫn không thể ngăn chặn được lâm tặc.
Cũng bởi vậy mà nhiều diện tích rừng tự nhiên dọc dòng sông Tang thuộc xã Trà Thọ, Trà Trung huyện Tây Trà liên tục bị triệt phá. Gỗ được lâm tặc chặt phá rồi chuyển về xuôi tiêu thụ.
Trước đó, việc phá rừng làm thuỷ điện nhân danh phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho người dân đã được nhiều chuyên gia đề cập đến.
"Chưa có thủy điện nào là không chạm đến rừng. Vì các sông suối đều ở đầu nguồn, cho nên làm thủy điện là phải phá rừng đầu nguồn. Vấn đề là phá ít hay nhiều, rừng có giá trị cao hay ít giá trị..." - GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ nói thẳng.
Tuy nhiên, đề cập đến việc giám sát các chủ đầu tư để không xảy ra tình trạng phá rừng bừa bãi thì lãnh đạo các địa phương (nơi có nhiều rừng chuyển sang thủy điện) đều khẳng định, giám sát rất chặt chẽ và chỉ cần chặt một cây ngoài mốc lộ giới là biết ngay.
“Không có chuyện lợi dụng dự án để lấy gỗ, chỉ cần chặt một cây ngoài mốc giới là chúng tôi biết ngay, bắt liền chứ không có chuyện để chặt lung tung” - ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng khẳng định.
Với tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng khẳng định, trên địa bàn tỉnh chỉ có hai dự án thủy điện, cũng đã làm xong được vài năm, nên không có chuyện lợi dụng dự án để phá rừng.
“Hà Tĩnh không có và cũng không dám đâu (làm thủy điện để phá rừng – PV), và cũng không lấy đất rừng, chỉ có những cái làm trực tiếp như thân đập hoặc lấy đất đắp đập thì có một ít rừng. Còn lại thì có quy trình bài bản chuyển đổi rừng. Còn bảo làm dự án để chặt phá rừng thì làm gì có. Lâm tặc tinh vi chúng tôi còn bắt được thì mấy ông doanh nghiệp là gì đâu”- ông Sơn khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024