Làm thế nào để cắt cơn nợ xấu?
Nợ xấu vẫn tăng bất chấp việc các ngân hàng (NH) đang nỗ lực hết sức xử lý khiến không ít ý kiến hoài nghi về hiệu quả của các giải pháp xử lý triển khai thời gian qua.
Tăng vì ngân hàng không muốn bán
Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) là bước đi rõ nhất của Chính phủ, NHNN trong quyết tâm giải quyết vấn đề nợ xấu. Chính thức mua khoản nợ đầu tiên từ đầu tháng 10/2013, đến 29/5, VAMC đã mua 45.630 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD (đến cuối năm 2013 VAMC mua được hơn 39 nghìn tỷ đồng nợ xấu).
Nhờ vậy, các TCTD tạm gạt một số lượng nợ xấu tương đối lớn sang một bên để tiếp tục kế hoạch cho khách hàng vay mới. Mặc dù vậy, có những ý kiến lo ngại, tỷ lệ nợ xấu đầu năm nay lại có xu hướng tăng lên.
Điều đó được thể hiện qua báo cáo tài chính quý I/2014 của nhiều NHTM vừa công bố cũng cho thấy xu hướng nợ xấu tăng lên… Như tại, Sacombank nợ xấu đã tăng lên đáng kể từ 1,45% cuối 2013 lên 1,86% khi kết thúc quý I/2014; tại DongABank nợ xấu tăng lên gần 4%; tại ACB tỷ lệ nợ xấu chính thức vọt từ mức 3% lên 3,27%...
Thông tin mới nhất từ Chánh thanh tra cơ quan thanh tra giám sát NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, các TCTD đã tự xử lý được khoảng 10 nghìn tỷ đồng từ các giải pháp trên. “Đây là kết quả nỗ lực của TCTD trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa có nhiều thay đổi cơ bản”, ông Nghĩa bày tỏ.
Về những nghi ngại lo tiến trình xử lý nợ xấu đang chậm và bị đẩy lùi, ông Nguyễn Hữu Nghĩa phân trần: nợ xấu vẫn đang được xử lý theo đúng lộ trình đề ra. Nguyên nhân quá trình mua nợ của VAMC chậm lại một phần do đợi NHNN phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đặc biệt.
Theo tiết lộ của một lãnh đạo VAMC, trong mấy tháng đầu năm 2014, nhiều TCTD tỏ ra chần chừ không bán nợ khiến nợ xấu của các đơn vị này tăng lên đồng thời cũng tác động đến số lượng các khoản nợ VAMC mua giảm đi.
Việc các NH chậm bán nợ xấu được một lãnh đạo chia sẻ do họ cũng cân đối lại chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Vì mỗi khoản nợ bán sang cho VAMC họ phải trích ngay 20% dự phòng. Trong khi đó các khoản nợ bán cho VAMC khá kén chọn. Nhưng, theo lãnh đạo NH dẫu sao, trong thời điểm khó khăn này việc bán nợ VAMC cũng đang là giải pháp gần như tối ưu đối với các NH.
Qua khảo sát một số NH, hầu hết NH đều cho biết đang lên kế hoạch bán nợ cho VAMC, ít thì cũng vài trăm tỷ đồng, nhiều lên cả vài nghìn tỷ đồng. Lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chia sẻ qua sự giúp đỡ của VAMC, NH này đã bán hơn 200 tỷ đồng nợ xấu.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng khẳng định: một số khoản nợ xấu của NH này bán cho VAMC cũng đã được xử lý và thu hồi nợ.
Bán nhanh cũng sợ
Vấn đề dư luận quan tâm đó là số nợ xấu được xử lý qua VAMC thực chất là bao nhiêu? Theo như dự kiến, tổng số nợ xấu được xử lý qua VAMC chiếm khoảng 40-50% nợ xấu của các TCTD. Nhưng đến hết 30/4/2014 số nợ xấu được xử qua VAMC chỉ ở mức 445 tỷ đồng (1/10 so với con số nợ xấu mua vào-pv).
Lãnh đạo VAMC thẳng thắn thừa nhận, rất khó bán nhanh nợ xấu thời điểm này. “Nếu bán nhanh quá mà không tính toán kỹ càng, đến khi thất thoát khoản nợ ai chịu trách nhiệm. Hiện tại hành lang pháp lý cho VAMC chưa được hoàn thiện”, vị này đặt vấn đề”.
Đơn cử: Cũng các tập đoàn nhà nước khi thoái vốn trừ trường hợp đơn vị này trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này mới được phép thoái vốn dưới giá, còn lại không được phép thực hiện thoái vốn với giá thấp hơn thị trường. NH cũng vậy. Tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản chắc chắn sẽ bán được. Nhưng vấn đề bán giá nào mới là quan trọng. NH thu được bao nhiêu, thất thoát trên tính toán thế nào.
Hiện VAMC đang chờ Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC để giảm bớt áp lực tâm lý khi xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng.
Dù VAMC đã rất tích cực xây dựng phương án bán các khoản nợ xấu đã mua về và làm việc với các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương. Nhưng do các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành khiến hoạt động bán nợ của VAMC vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đó là chưa kể tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC do Bộ Tư pháp công bố gần đây có đưa ra quy định VAMC chỉ được bán những khoản nợ có tài sản đảm bảo dưới 10 tỷ đồng. Nếu quy định này được ban hành sẽ gây nhiều khó khăn cho VAMC trong xử lý nợ xấu.
Theo hồ sơ các TCTD gửi lên, con số nợ xấu mà các TCTD muốn bán cho VAMC lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Lãnh đạo VAMC khẳng định: với những giải pháp mà NHNN đang triển khai và kế hoạch mua bán nợ đang được xây dựng, mục tiêu mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu của VAMC trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi, nếu chỉ bằng các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành NH e rằng nợ xấu của các TCTD chưa chắc đã được xử lý một cách vững vàng, triệt để.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Cột tin quảng cáo