Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sau 20 năm nhập siêu
Từ giai đoạn 1986 - 2011, Việt Nam gần như luôn nhập siêu, chỉ khác nhau về kim ngạch tuyệt đối và tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu. Có thể chia thành 3 thời kỳ chủ yếu.
Từ 1988 trở về trước, nhập siêu không lớn nhưng tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu rất cao, trên dưới 170%. Từ năm 1989 – 2006, nhập siêu giảm. Năm 1992, lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu nhưng rất thấp (40 triệu USD, do ngưng trệ nguồn nhập khẩu từ Liên Xô cũ, Đông Âu). Từ năm 2007 - 2011, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhập siêu lớn và tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu cao, đặc biệt nhập siêu giai đoạn 2007- 2010 đều trên 10 tỷ USD/năm, năm 2011 nhập siêu giảm nhưng vẫn trên 9,8 tỷ USD.
Sang năm 2012, xuất hiện sự đan xen giữa các tháng nhập siêu và xuất siêu, nhưng tính chung 11 tháng, Việt Nam xuất siêu 484 triệu USD. Nếu tháng 12 vẫn giữ tiến độ xuất nhập khẩu như vậy, xuất siêu cả năm sẽ lớn hơn, ngược chiều so với kế hoạch đầu năm và các dự đoán. Như vậy, lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.
Sự chuyển đổi tích cực này sẽ tác động đến nhiều mặt như: góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế (một mục tiêu quan trọng hiện nay), tăng dự trữ ngoại dẫn tới tỷ giá ổn định và giúp kiềm chế lạm phát. Nhờ vậy, tình trạng găm giữ ngoại tệ, tình trạng đô la hoá nền kinh tế bước đầu được ngăn chặn.
Nguyên nhân quan trọng nhất của việc trở lại xuất siêu là nhờ xuất khẩu rất tích cực. Dự báo xuất khẩu cả năm 2012 đạt khoảng 114,6 tỷ USD, vượt khá xa kế hoạch 109,5 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 18,2% (cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng GDP) và tỷ lệ xuất khẩu/GDP trên 82,5% chứng tỏ xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng xuất khẩu những năm trước chủ yếu do giá nhưng năm nay chủ yếu nhờ lượng tăng trong khi giá lại giảm. Khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu đạt kết quả tích cực ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó một số mặt hàng có mức tăng ca, với 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 11 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, 7 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD.
Sự chuyển biến cũng được ghi nhận ở thị trường xuất khẩu. Cụ thể, 24 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt 41/81 thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam có xuất siêu. Các thị trường Việt Nam xuất siêu lớn, trên 1 tỷ USD, gồm Mỹ, Hồng Kông, Anh, Campuchia, Đức, Hà Lan, UAE, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Australia, Malaysia.
Một nguyên nhân khác khiến Việt Nam xuất siêu trong năm 2012 là do nhập khẩu tăng thấp so với xuất khẩu. Tính hết 11 tháng, nhập khẩu tăng 6,5% trong khi xuất khẩu tăng 18,7%. Cụ thể, 20/50 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu giảm kim ngạch, giá nhập khẩu nhiều loại mặt hàng cũng giảm.
Việt Nam xuất siêu, có một phần nhờ xuất khẩu tăng cao là dấu hiệu rất tích cực, cho thấy điều hành của Chính phủ đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt xuất siêu bền vững cần các biện pháp kiểm soát nhập khẩu tốt hơn.
Ngoài ra, trong 26/81 thị trường chủ yếu Việt Nam nhập siêu, có 5 thị trường có mức nhập siêu cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc, Singapore, Thái Lan. Thực tế này đang đặt ra bài toán cấp thiết về cân bằng thương mại.
Đoàn Huế (Theo Chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới