Làn sóng đổi chủ doanh nghiệp thuỷ sản
Lặng lẽ và ồn ào
Ở tỉnh Cà Mau, đã có 4 doanh nghiệp đổi sang chủ mới một cách lặng lẽ. Đó là Công ty CP Thực phẩm Đại Dương, Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Việt Hải, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Minh Châu, Công ty TNHH Ngọc Châu.
Chủ mới là ông Phạm Tiến Dũng, quê Hải Phòng. Cuối tháng 11-2011, ông Dũng vào thường trú ở phường 8 (Thành phố Cà Mau) thành lập Công ty CP Chế biến Thủy sản Biển Vàng, bắt đầu hợp đồng mua các doanh nghiệp kia.
Theo khảo sát giữa năm 2012, Công ty Đại Dương chế biến tôm xuất khẩu, công suất thiết kế 8.000 tấn/năm, công suất thực tế 5.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu mấy tháng đầu năm chỉ vỏn vẻn 0,18 triệu USD.
Sau khi đổi chủ, ngày 6-12-2012, Công ty Đại Dương làm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 7, vốn điều lệ 120 tỷ đồng, ông Phạm Tiến Dũng nắm 54%, giữ chức Chủ tịch HĐQT. Công ty Việt Hải đổi sang ông Dũng, cũng được đăng ký mới với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Còn ở Thành phố Cần Thơ, ngoài thương vụ sang tên đổi chủ Công ty CP Thuỷ sản Bình An khá ồn ào từ nữ đại gia Diệu Hiền sang Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), còn có một cuộc đổi chủ lặng lẽ tại Công ty TNHH Trường Nguyên, chủ mới là doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Sông Hậu ở tỉnh Hậu Giang.
Công ty Trường Nguyên có 500 công nhân, đang hoạt động nhưng gặp khó khăn nên bán “trọn gói” hơn 100 tỷ đồng, chủ mới đầu tư thêm gần chừng đó nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tỉnh Sóc Trăng có Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam nợ hơn 1.600 tỷ đồng, chủ cũ là các thành viên trong gia đình ông Lâm Ngọc Khuân đã đổi sang chủ mới là các ngân hàng cho vay.
Ngày 5-11, các ngân hàng đề cử ông Trần Văn Trí (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình An) làm đại diện để lo tái cơ cấu với phương hướng, các ngân hàng góp vốn và khoanh nợ.
Ngày 7-11, ông Khuân từ Mỹ (đi cả gia đình hồi đầu năm) ký quyết định bổ nhiệm ông Trí làm Tổng giám đốc.
Chưa dừng lại
Thời điểm này, nhiều chủ doanh nghiệp chế biến thuỷ sản bị thua lỗ kéo dài ở Cà Mau, Bạc Liêu vẫn tìm đến ông Phạm Tiến Dũng để mong bán được nhà máy một cách lặng lẽ. Tuy nhiên, ông Dũng chưa quyết định mua thêm doanh nghiệp nào nữa.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết, Cà Mau có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, trong đó chỉ khoảng 40% nhà máy kinh doanh hiệu quả, còn lại gặp khó khăn và khoảng 30% có nguy cơ phá sản. Hơn 40.000 công nhân đang khốn khó.
Ở tỉnh Bạc Liêu, đầu tháng 3 đã xảy ra vụ ngân hàng siết nợ Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Minh Hiếu ở thị trấn Giá Rai, dẫn đến xô xát, phải nhờ công an can thiệp.
Cty Minh Hiếu vay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Cà Mau 20 tỉ đồng, với điều kiện trong kho luôn phải có lượng hàng trị giá 30 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ACB kiểm tra phát hiện trong kho của Cty Minh Hiếu chỉ có 7-8 tấn tôm gia công, nên niêm phong. Ngày 6-3, người của ACB đưa hàng đi gửi nơi khác thì xảy ra xô xát.
Bà Lê Thị Hạt, GĐ Công ty Minh Hiếu, giải thích do lãi suất tiền vay quá cao, và nhiều lô tôm nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép bị trả về nên lún sâu vào nợ nần, mất khả năng chi trả. Hiện công ty đã ngưng hoạt động.
Tại Thành phố Cần Thơ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã nợ nần lớn, có 3 nhà máy chế biến cá tra đã phải đóng cửa 2, chỉ còn một nhà máy chạy gia công để giữ công nhân.
Ông Phan Bá Tòng, Giám đốc nói với PV Tiền Phong, riêng vay nợ ngân hàng đã 420 tỷ đồng, cộng thêm nợ ngoài nữa là hơn 500 tỷ.
Công ty Thiên Mã có 12 trại nuôi cá rộng 100 ha cũng phải nuôi gia công vì không còn vốn hoạt động. “Chúng tôi đang nhờ Cty Mua bán nợ của Bộ Tài chính giúp tái cơ cấu”, ông Tòng nói.
Nhiều khó khăn
Những doanh nghiệp đã đổi chủ cũng còn rất nhiều khó khăn, vì nợ nần lớn, và nhất là quản trị yếu, khắc phục không hề dễ dàng.
Ngay như Công ty Bình An được coi là xây dựng nhà máy chất lượng tốt, có thương hiệu và lợi thế thị trường Mỹ, tuy nhiên chủ nhân mới của công ty cũng chỉ dám đặt mục tiêu đến cuối năm nay hoạt động chế biến cá tra đạt khoảng 30% công suất.
Chủ mới của Công ty Trường Nguyên cũng đầu tư nâng cấp thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng chưa xong, nên hoạt động mới khoảng 50% công suất.
Ở tỉnh Cà Mau, Công ty Đại Dương có khoảng 600 công nhân, dù đã sang tên chủ mới nhưng hiện chỉ còn gần 100 công nhân làm việc cầm chừng, chờ lương, chờ việc.
Ở công ty này, tính ra từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất ít hơn các cuộc đình công, tranh chấp lao động.
Công ty Việt Hải thì sau khi đổi chủ đã ngưng hoạt động, nợ hàng tỷ đồng lương công nhân và người bán tôm nguyên liệu. Hàng trăm công nhân bị nợ lương, mới đây lợi dụng chủ đi vắng, đã kéo đến đòi đập phá xí nghiệp để lấy tài sản trừ lương.
Đoàn Huế (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?