Thị trường

Làng biển Cảnh Dương phát triển kinh tế từ du lịch

(DNVN) - Cảnh Dương (thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một làng thuần biển đã mấy trăm năm. Gần đây bỗng bắt tay vào làm kinh tế từ du lịch. Bộ mặt làng biển trở nên khởi sắc, tươi vui.

Một đoạn cung đường bích họa làng Cảnh Dương.

Độc đáo cung đường bích họa Cảnh Dương

Chúng tôi đến Cảnh Dương vào lúc ánh dương đã gần chạm đỉnh đầu. Mới tháng Tư mà nắng đã ngột ngạt. Vào đây mới cảm nhận hết nắng và gió của xứ sở này như một câu thơ đã mô tả “ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”.

Bích họa đầu làng Cảnh Dương.

Tuy nhiên, cái nắng như dịu đi khi chúng tôi bước chân vào làng. Một cung đường bích họa sinh động hiện ra trước mắt. Những bức bích họa mô tả cuộc sống lao động và sinh hoạt của làng biển. Ngay từ đầu làng là bức bích họa mô tả những người đàn ông ra khơi đánh bắt cá, rồi hình cá ông voi là con vật linh thiêng được dân làng thờ phụng như vị thần biển. Điều đặc biệt, hình ảnh người đàn ông trên chiếc thuyền đang lênh đênh trên biển có nguyên mẫu là người đánh cá của làng. Những bức bích họa khác mô tả sống động một phần cuộc sống của dân làng từ cảnh ra khơi đánh bắt hải sản, cảnh bán cá, cảnh đình làng với thần cây… tất cả đều rất gần gũi, thân thương. Có vài bức mô tả cuộc chiến đấu giữ làng trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.

Bích họa mô tả cuộc chiến đấu giữ làng Cảnh Dương.

Chị Võ Thị Quý, người Làng Cảnh Dương rất vui vẻ và hòa nhã khi gặp khách du lịch. Chị nhiệt tình và rất kiên nhẫn trả lời cho du khách nhiều câu hỏi liên quan đến làng biển và những bức bích họa. Khi rỗi, chị không ngần ngại dẫn khách đi và giới thiệu từng bức bích họa. Mặc dù công việc của chị và hai người phụ nữ khác được giao là trông giữ xe cho khách, an toàn giao thông và vệ sinh trong làng. Chị cho biết: Bích họa trên tường nhà chị được vẽ từ đầu tháng 12/2017. Đó là bức họa thần cây và cây đa, giếng nước, cảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Có 6 họa sĩ vẽ trong 4 ngày mới xong. Việc Cảnh Dương thành làng du lịch khiến chị rất xúc động. Chị vui lắm vì làng biển bỗng trở nên đông vui do khách ra vào rất nhiều và dân làng bán được nhiều sản phẩm của mình làm ra, tăng thu nhập. 

Không riêng chị Quý mà hầu như tất cả người dân Cảnh Dương đều rất phấn khởi, tự hào khi làng mình bỗng trở nên đông vui, nhộn nhịp, đón nhiều du khách về thăm. Họ cảm nhận, vận hội mới về phát triển kinh tế đang đến với làng mình được bắt đầu từ cung đường bích họa.

 

Những dự án du lịch

Cung đường bích họa như một lối dẫn cho du khách vào Cảnh Dương và như một gợi ý, một cú hích khiến làng biển vươn mình làm du lịch, thay đổi cuộc sống lam lũ lâu nay. Ý tưởng này thuộc về Sở du lịch tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, cung đường bích họa chỉ là một trong các dự án mà Sở đang đầu tư vào đây. Đó là, công viên thuyền thúng và phục dựng lại 2 bộ xương cá voi dài tới 28 mét. Xây dựng hệ thống nhà hàng cá voi. Tổng đầu tư cho các dự án khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Ông Lương Công Thành - Sở du lịch tỉnh Quảng Bình cho chúng tôi biết, lý do chọn Cảnh Dương đầu tư cung đường  bích họa vì đây là làng thuần biển, 100 % chuyên nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Tại Cảnh Dương còn một số ngôi nhà cổ, hàng rào xây dựng bằng san hô cùng nhiều những giá trị khác. Vì vậy chúng tôi muốn phục dựng và bảo tồn văn hóa làng biển. Hiện nay, Sở đã hướng dẫn cho dân làng làm mô hình Home stay và có khoảng 10 nhà đạt chuẩn.Ban đầu, ngân sách tỉnh sẽ đầu tư các dự án này. Sau đó sẽ giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác thu hồi vốn. Cuối năm sẽ hoàn thành các dự án kia để đưa vào khai thác.Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư xây dựng đường kè biển ở Cảnh Dương.

Hiệu quả kinh tế của cung đường bích họa đã đưa dân làng biển đến với một nghề mới là du lịch. Anh Lê Thành Lộc, nghệ nhân dân gian của Cảnh Dương chia sẻ: Từ hồi có cung đường bích họa,(khoảng vài tháng) mỗi ngày Cảnh Dương đón khoảng 200 lượt du khách. Dân làng rất phấn chấn vì có thêm thu nhập từ các dịch vụ và bán sản phẩm đặc trưng của làng như nước mắm, mắm ruốc… Thấy khách đến nhà thì vui lắm.

 

Tuy nhiên, người dân chưa được tập huấn về làm du lịch nên còn nhiều bỡ ngỡ. Được biết, đầu năm Sở du lịch tỉnh Quảng Bình đã tập huấn cho một số cơ sở như nhà hàng, home stay. Tới đây sẽ phổ biến toàn dân.

Bài và ảnh: Kim Thanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo