Lẳng lặng tăng lãi suất cho vay
Nhiều doanh nghiệp cho biết trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, thông báo tăng lãi suất cho vay nghe như “sét đánh ngang tai”.
Lãi suất lên 21,2%/năm
Vay USD, nhận nợ bằng VND
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đưa lãi suất về dưới 15%/năm. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay với lãi suất này rất thấp dù doanh nghiệp đã chứng minh được năng lực sản xuất, đầu ra sản phẩm. Giám đốc Công ty Đ chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho biết chỉ vay được một khoản rất nhỏ với lãi suất 15%/năm, còn lại các khoản vay khác lãi suất thấp nhất 16-17%/năm. |
Hiện nay, để duy trì việc làm ăn, công ty ông đã chuyển sang vay bằng tiền USD nhưng nhận nợ bằng VND với lãi suất 7-7,5%/năm. Với các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chuyển sang vay bằng ngoại tệ với lãi suất 4-4,5%/năm.
Đầu tháng 10/2012, ông H., giám đốc một doanh nghiệp chuyên gia công hàng hóa xuất khẩu, choáng váng khi nhận thông báo tăng lãi suất từ mức 18,5% lên 21,2%/năm, áp dụng từ ngày 30/9. Với khoản vay hơn 3 tỉ đồng vừa được giải ngân từ cuối tháng 5, ông H. nói mức lãi suất mới khiến doanh nghiệp “chết đứng” vì các hợp đồng đã ký trước đó có mức lợi nhuận rất thấp.
“Doanh nghiệp không dám kêu vì sợ bị “đè”, nhưng cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm tra doanh thu đầu vào của ngân hàng, để ngân hàng vượt rào như vậy chúng tôi làm sao sống được?” - ông H. bức xúc.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay tăng trong bối cảnh doanh nghiệp đang chật vật lo giải quyết hàng tồn. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết dù công ty đã gút lại kế hoạch chuẩn bị hàng hóa tết với lượng hàng tăng 20-30% so với năm ngoái, tương ứng 12-13 triệu quả trứng, tuy nhiên với sức mua quá kém như hiện nay, có khả năng công ty sẽ phải điều chỉnh kế hoạch dự trữ vì không thể mạo hiểm đánh cược với thị trường.
Theo ông Thiện, dù rất kỳ vọng vào nhu cầu mua sắm những tháng cuối năm, nhưng năm nay sẽ là một năm cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp khi mọi kỳ vọng cứ dần trôi tuột qua từng tháng. “Bây giờ ai cũng sợ dư hàng chứ không phải sợ thiếu hàng” - ông Thiện nói.
Bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy nói: So với cùng kỳ năm ngoái, sức mua đang giảm ít nhất 20-30%. Chính vì sức mua suy giảm quá sâu, quá lâu nên khả năng tăng lượng hàng dự trữ, kể cả nguyên phụ liệu sản xuất cho mùa hàng cuối năm nay của Việt Thy, dự kiến giảm 20% so với mùa hàng năm ngoái.
“Tôi vẫn đang cân nhắc có nên vay ngân hàng để làm hàng cho mùa tết năm nay hay không. Doanh nghiệp sẽ rất chật vật nếu không muốn nói là rất khó có được lợi nhuận để trả lãi vay ngân hàng khi bài toán đầu ra thật sự vẫn bế tắc”- bà Đoan chia sẻ. Ông Lâm Quang Thái, Chủ tịch Công ty thời trang Blue Exchange, cho rằng mức lãi suất hiện tại vẫn còn rất cao so với khả năng tạo ra được lợi nhuận hòng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như trang trải các chi phí cần thiết cho doanh nghiệp.
Ngân hàng không nới điều kiện
Trước thông tin một số ngân hàng gần đây đã tăng lãi suất cho vay, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, khẳng định sẽ ghi nhận lại đồng thời khuyến khích doanh nghiệp báo về đường dây nóng để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra kịp thời.
Ông Dũng thừa nhận đang có sự bất cập giữa chính sách và sự phối hợp giữa các cấp, ngành dẫn đến doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn rẻ, ngay cả các doanh nghiệp thuộc bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên. “Vấn đề sức mua thấp, hàng tồn kho nhiều khiến các ngân hàng không dám mở két. Thị trường hàng hóa phát triển thì thị trường tiền tệ mới lên theo được” - ông Dũng nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, đến giữa tháng 10/2012 huy động vốn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tăng 5,63%, trong khi tín dụng chỉ tăng 1,57%. Lý giải tín dụng tăng quá thấp so với huy động, một lãnh đạo chi nhánh này cho biết các ngân hàng đua huy động còn nhằm để cơ cấu lại kỳ hạn. Trước đây, người dân chủ yếu gửi kỳ hạn ngắn, còn hiện nay vốn dài hạn đã chiếm 30% tổng huy động. Vị này cũng thừa nhận dù ngân hàng tung ra các chương trình cho vay nhưng thực tế doanh nghiệp khó vay do ngân hàng không nới lỏng các điều kiện.
Chính các ngân hàng cũng thừa nhận điều này. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB, cho rằng ngân hàng sẵn sàng cho vay, thậm chí doanh nghiệp nào cần vốn ngân hàng sẵn sàng đến tận nơi. Tuy nhiên quan trọng là doanh nghiệp có đáp ứng được các điều kiện để vay vốn hay không và phương án kinh doanh hiệu quả thế nào. Ông Tuấn cho biết đến nay tín dụng chỉ mới tăng gần 10%. Những tháng cuối năm nhu cầu vốn sẽ tăng, nhưng so với các năm trước việc bơm vốn ra thị trường sẽ khó khăn hơn do khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp có hạn.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, phân tích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do hàng tồn kho nhiều, đầu ra gặp khó khăn, do vậy ngân hàng phải hướng dòng vốn vay cho đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó chủ yếu là xuất khẩu nông sản. Cũng theo ông Đặng, trong điều kiện hiện nay ngân hàng khó để nới lỏng điều kiện cho vay vì phải tính đến khả năng thu hồi vốn.
Cũng theo các ngân hàng, việc xét duyệt kỹ nhằm tránh “lọt sổ” các trường hợp vay vốn để đảo nợ. Không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà những trường hợp khách hàng vay tiêu dùng nhưng mục đích sử dụng không rõ ràng đều bị từ chối. Tương tự, doanh nghiệp còn hàng tồn, chưa có phương án đầu ra mà vay thêm vốn để sản xuất cũng không được ngân hàng giải quyết cho vay.
Về bất hợp lý giữa tăng trưởng huy động và cho vay, tổng giám đốc một ngân hàng tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh cho biết đang tận dụng thời cơ này để cơ cấu nguồn vốn vào các tài sản khác như trái phiếu, giấy tờ có giá nhằm tăng khả năng chi trả thay vì cho vay gần như toàn bộ như trước. Hơn nữa, kỳ hạn gửi của các khách hàng khác nhau, do vậy ngân hàng phải tính toán sao cho việc sử dụng nguồn vốn được phù hợp.
Chưa bỏ trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước vừa công bố văn bản trả lời kiến nghị cử tri của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ông Bình cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ trần lãi suất huy động là chưa phù hợp. Lý do dù thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các ngân hàng. Một số ngân hàng yếu kém vẫn gặp khó khăn về thanh khoản. Nếu bỏ trần lãi suất huy động thì các ngân hàng yếu kém sẽ tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn, từ đó đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng tiếp tục duy trì quy định trần lãi suất huy động là chính sách tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Khi điều kiện kinh tế vĩ mô và tiền tệ cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bỏ trần lãi suất huy động. Về ý kiến cần công khai tình hình nợ xấu của các ngân hàng để người dân giám sát, thống đốc cho biết đến ngày 31/3 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Mặc dù nợ xấu tăng lên do tác động bất lợi của môi trường kinh doanh, song hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định về công bố thông tin. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cập nhật và cung cấp thông tin về tỉ lệ nợ xấu trên website của Ngân hàng Nhà nước, hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng. |
Đoàn Huế (Theo TT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo