Thị trường

Làng nghề tiền tỷ nằm đắp chiếu

Từ khi khánh thành đến nay, làng nghề truyền thống tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) chưa một lần đi vào hoạt động; công trình “6 tỷ” này phải “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa…

Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng làng nghề truyền thống tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) vẫn được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 6 tỉ đồng. Sau gần một năm thi công, công trình được khánh thành trong niềm hân hoan của chính quyền và người dân địa phương.

 

Thế nhưng, từ khi khánh thành đến nay, làng nghề chưa một lần đi vào hoạt động đã phải “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa…

 

“Cha chung không ai khóc”

 

Chỉ nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa chưa đầy 10km, làng nghề truyền thống Đắk Nia được xem là công trình lớn nhất và là làng nghề được xây dựng đầu tiên tại các tỉnh Tây Nguyên. Với các hạng mục như: Hai dãy nhà dài, mỗi dãy rộng khoảng 400m2, làm nơi sản xuất, trưng bày, tham quan các sản phẩm dệt thổ cẩm; một sân khấu biểu diễn nghệ thuật ngoài trời được xây dựng kiên cố và khuôn viên cây cảnh, công viên dã ngoại… được xây dựng trên khu đất rộng hơn 5.000m2. Làng nghề được bàn giao lại cho UBND xã Đắk Nia quản lý sử dụng.

 

Tuy nhiên, đây là công trình của Nhà nước đầu tư nên sự quản lý cũng bị “teo” dần theo năm tháng. Từ khi được bàn giao cho xã, khu làng nghề này chưa một lần đi vào hoạt động và bị bỏ hoang không có người trông coi.

 

Vì thế, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống điện, khung cửa kính, cửa ra vào, nhà vệ sinh... hầu như bị hư hỏng. Trong khuôn viên làng cỏ dại mọc um tùm, người dân địa phương thường đưa gia súc vào chăn thả.

 

Già làng KMăng, 76 tuổi, có nhà nằm sát cạnh khu làng nghề tiếc nuối: “Mình đã ở đây trước khi xây dựng làng nghề này. Lúc công trình mới được khởi công, người dân trong bon vui mừng lắm vì từ nay, nghề truyền thống của bà con được lưu giữ, mọi người được tạo thêm công ăn việc làm. Nhưng từ cuối năm 2008, thấy mấy đoàn cán bộ đến đây kiểm tra xong thì khu làng nghề chưa thấy một lần đi vào hoạt động. Nhìn cả một công trình rộng mênh mông, to đùng giờ bị “đắp chiếu” thấy mà xót xa. Đây đúng là công trình cha chung không ai khóc…”.

 

“Khai tử” cũng không xong

 

Trước sức ép dư luận cũng như các cơ quan báo chí lên tiếng, để tránh mang tiếng là lãng phí, UBND thị xã Gia Nghĩa đã có “sáng kiến” là xin phép UBND tỉnh cho một doanh nghiệp thuê lại làng nghề để làm kho chứa thức ăn nuôi cá công nghiệp. Và theo lý do mà ông Chủ tịch UBND thị xã Ngô Văn Linh đưa ra là “để vớt vát một chút đầu tư về kinh tế, cũng như tránh sự lãng phí trong nhiều năm qua”(!).

 

Với sáng kiến trên, cuối năm 2011, UBND thị xã Gia Nghĩa đã đầu tư thêm 300 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa hệ thống nhà xưởng, cửa kính bị đập bể, hư hỏng… Sau khi sửa chữa, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã bác bỏ đề nghị này, và yêu cầu địa phương phải tìm hướng giải quyết khác. Không được sự chấp thuận của tỉnh về việc cho doanh nghiệp thuê lại nên khu làng nghề lại tiếp tục được “trùm mền”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, cho biết: “Mục đích của làng nghề là để dệt thổ cẩm và trưng bày các mặt hàng thủ công mỹ nghệ là không khả thi. Vì đối với người đồng bào ở đây bình thường thì họ đi làm rẫy, thời gian rảnh rỗi họ mới dệt, nhà ai làm tại nhà đó, họ còn kết hợp được một số công việc khác như trông con cháu, nấu cơm…

 

Còn nếu bảo người ta ra chỗ làng nghề để dệt thì rất khó. Họ làm theo kiểu thủ công, có khi 2 đến 3 tháng mới dệt xong một bộ trang phục, các sản phẩm làm ra giá thành lại cao nên rất khó tiêu thụ. Về lâu dài, xã vẫn chưa có phương án nào để sử dụng, khai thác hiệu quả làng nghề dệt thổ cẩm này”.

 

Hiện công trình gây lãng phí tiền tỷ của Nhà nước vẫn không biết dùng vào mục đích gì. Trong khi đó trách nhiệm cá nhân, tập thể để gây lãng phí tiền của Nhà nước vẫn chưa được xác định rạch ròi và ai phải chịu trách nhiệm? 

 

Theo DĐDN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo