‘Lãnh đạo còn phân biệt vùng miền thì bảo sao…’
Trong xã hội văn minh ngày nay, sự phân biệt vùng miền còn nặng nề như trước? Có hay không “gene tội phạm” tạo nên băng nhóm tội phạm ở một khu vực nhất định? Đất Việt phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học - Bộ Công an, để làm rõ những vấn đề trên.
- Ông có suy nghĩ gì về việc một số doanh nghiệp từ chối tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh?
- Tôi cho rằng, những người ra quyết định không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh có tư duy rất hạn chế. Anh muốn tuyển người làm việc thì quan trọng nhất là tay nghề, trình độ chuyên môn. Ai dám chắc là lao động các địa phương khác đều có tay nghề giỏi hơn lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh?
Thực tế cũng đã có những vụ gây rối, vi phạm liên quan đến lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh xảy ra tại các công ty, doanh nghiệp. Nhưng các công ty đã bao giờ điều tra xem bản chất là gì chưa? Nếu thực sự 100% các vụ lùm xùm là do lao động các địa phương này gây ra thì thực sự đáng lo ngại về vấn đề liên kết, tụ tập vùng miền để làm việc xấu. Nhưng tôi tin là không đến mức độ như vậy vì thực tế còn rất nhiều lao động đến từ các địa phương trên rất tốt, không vi phạm gì cả. Các doanh nghiệp không được “vơ đũa cả nắm”.
Việc các doanh nghiệp công khai hay ngấm ngầm tẩy chay, không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh là hành động xúc phạm tới tình cảm quê hương của họ, xúc phạm cả một cộng đồng. Mặc dù không vi phạm pháp luật nhưng những ông chủ ra quyết định trên rõ ràng là nhân cách có vấn đề, tầm hiểu biết và ứng xử thấp kém. Thường thì khi người ta kém cỏi, không đủ trình độ quản lý thì mới đưa ra quyết định cấm.
Như ông đã nói, các doanh nghiệp trên không vi phạm pháp luật khi tuyển dụng. Vậy thì phải chăng, lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh phải chấp nhận thất nghiệp trong trường hợp này?
- Quan điểm của tôi là UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phải có ý kiến và hành động rõ ràng và mạnh mẽ về vụ việc này. Chuyện một số doanh nghiệp đề trên băng rôn là không tuyển lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh là hành động xúc phạm không thể chấp nhận được. Người dân các tỉnh miền Trung trên có quyền xé bỏ, đốt ngay những băng rôn đó. Ít ra, anh lấy lý do này kia đề ngầm từ chối hồ sơ của lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh thì còn có chút lịch sự. Đằng này ghi cả trên băng rôn như thế kia thì vô văn hóa quá. Xã hội văn minh không chấp nhận những hành động xúc phạm đến danh dự của cả một cộng đồng người như vậy.
- Là một người quê ở Nghệ An, theo ông, điều gì trong tính cách của người dân một số tỉnh khu 4 cũ khiến một số người dân địa phương khác “không ưa”?
- Nói đi thì cũng phải nói lại. Thực tế là đã có những trường hợp người dân Thanh - Nghệ - Tĩnh gây ra những vụ rắc rối, lùm xùm trong cả sinh hoạt và đời sống xã hội. Đây chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng trong các phạm vi nhất định, sự cá biệt ấy lại gây ảnh hưởng lớn. Tính cá biệt và tất yếu bị lẫn lộn khiến một số người có định kiến, ác cảm với người dân một số tỉnh miền Trung.
Một nét tính cách nổi bật của người Thanh - Nghệ - Tĩnh là bộc trực, nóng nảy, phản ứng quyết liệt nên dễ gây gổ, xung đột. Người dân các tỉnh này thường cấu kết với nhau rất chặt chẽ tạo nên tâm lý nhóm, tâm lý vùng. Những đặc tính đó được hình thành qua một quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất lâu dài và được truyền từ đời này sang đời khác. Những nét tính cách trên đôi khi khiến người dân các địa phương khác e ngại.
- Sự nóng nảy, tính cách vùng miền có phải là yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tội phạm có nguồn gốc Thanh Hóa, Nghệ An hay Hà Tĩnh không, thưa ông?
- Tội phạm là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử nên chịu sự chi phối của điều kiện chính trị - xã hội của từng địa phương. Nhiều người thấy tính cách người miền Trung hay tính toán, chi li là bởi điều kiện sống của cư dân ở đây khó khăn quá. Điều kiện sống trực tiếp hoặc gián tiếp quy định ý thức, cách ứng xử của con người với xã hội xung quanh. Nhưng những điều kiện này không có quan hệ trực tiếp và mang tính tất yếu với tội phạm.
Không có thống kê nào chỉ ra rằng tội phạm người Thanh - Nghệ - Tĩnh nhiều hơn và mang bản chất vùng miền hơn tội phạm các địa phương khác. Tuy nhiên, thực tế là có một số vùng đang manh nha hình thành những hoạt động bất hợp pháp với số lượng lớn và độ tập trung cao.
Gần đây, khu vực phía Bắc nổi lên Hải Phòng và Vinh xuất hiện nhiều thanh niên chơi bời, phá phách, phạm tội và hình thành các băng nhóm xã hội đen. Nhưng số này chỉ là số ít so với tổng số thanh niên và cư dân của các vùng trên, đa số người dân vẫn cần cù, hiền lành. Vì vậy, không nên vì một số trường hợp cá biệt xấu mà quy cho cư dân cả địa phương đó xấu.
- Là người trong ngành công an, xin Thiếu tướng cho biết, có hay không cái gọi là “gene tội phạm” trong việc hình thành các băng nhóm tội phạm tập trung theo vùng miền?
Về mặt khoa học, yếu tố gene tội phạm là có thật. Nhưng tỉ lệ tội phạm có yếu tố gene trong tổng số tội phạm cướp của, giết người là bao nhiêu thì hiện nay chưa có thống kê, nghiên cứu. Tôi cho rằng chỉ không quá 5%. Vì vậy, không thể nói dân vùng này, vùng kia có gene tội phạm, côn đồ.
- Theo ông, sự phân biệt vùng miền ở nước ta hiện nay đang ở mức độ, biểu hiện như thế nào?
Sự phân biệt vùng miền trong xã hội ta hiện nay vẫn còn rất nhiều, rất rộng. Theo cảm nhận của tôi, sự phân biệt vùng miền hiện nay có xu hướng nặng nề hơn trước. Đây thực sự là một điều đáng buồn.
Sự phân biệt vùng miền không chỉ tồn tại trong đời sống mà còn tồn tại một cách khách quan ngay cả trong cơ quan công quyền các cấp từ trung ương tới địa phương, nhưng biểu hiện kín đáo, ít công khai hơn. Điều này thường xảy ra ở những cơ quan có những lãnh đạo, những đảng viên yếu kém về trình độ, văn hóa, nhận thức chính trị. Chỉ những lãnh đạo có khuyết tật về năng lực hay phẩm chất đạo đức thì mới chỉ đạo cho bộ phận nhân sự, tổ chức không tuyển dụng hay trọng dụng những người quê Thanh - Nghệ - Tĩnh.
- Để ngăn chặn xu hướng phân biệt vùng miền, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
- Về lâu về dài, cần có những biện pháp giải quyết thực trạng này. Tất nhiên, chắc chắn là không thể nào xóa bỏ triệt để sự phân biệt vùng miền, nhưng phải làm sao để điều này không ảnh hưởng tới việc công, tới sự phát triển của đất nước, xã hội. Muốn làm được điều này thì phải khắc phục trước tiên từ cấp lãnh đạo.
Đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để hạn chế sự phân biệt vùng miền. Chừng nào giới lãnh đạo vẫn còn phân biệt vùng miền thì không thể nào giải quyết được vấn đề này. Thời kỳ nào có minh quân thì sự phân biệt vùng miền rất ít, và ngược lại.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo