Lãnh đạo PC67 lên tiếng về việc CSGT tuyên bố 'bằng lái quốc tế không giá trị'
Chiều hôm qua 21/3, Thượng tá Trần Văn Thương - Phó Phòng CSGT đường bộ đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) đã thông tin về nội dung đoạn clip lan truyền trên mạng, trong đó cho thấy CSGT Đội Cát Lái từ chối chấp nhận bằng lái quốc tế và tạm giữ xe ô tô của người vi phạm tốc độ trên đại lộ Mai Chí Thọ, quận 2 (TP.HCM).
Trước đó, ngày 18/3, một video clip xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh một cán bộ CSGT có những lời lẽ thiếu mềm mỏng với người vi phạm trên đường Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM). Sau đó, cán bộ CSGT đã lập biên bản vi phạm lái xe vượt quá tốc độ cho phép và tạm giữ xe ô tô vì từ chối giấy phép lái xe quốc tế của người này.
Đoạn clip đã gây xôn xao dư luận và có nhiều ý kiến bình luận trái chiều về việc bằng lái quốc tế có hay không được chấp nhận ở Việt Nam.
Theo Thượng tá Thương, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 18/3, anh V.T.T (Việt kiều Đức) lái xe ô tô trên đường Mai Chí Thọ vượt quá tốc độ cho phép (63/50 km/h). Ngay sau đó, tổ công tác của CSGT Đội Cát Lái đã yêu cầu anh này dừng xe để kiểm tra, xử lý.
“Lúc kiểm tra, người vi phạm chỉ xuất trình được giấy phép lái xe quốc tế mà không xuất trình được giấy phép lái xe quốc gia kèm theo nên theo quy định thì không đủ điều kiện điều khiển xe lưu thông trên đường. Do đó, lực lượng CSGT Đội Cát Lái đã thực hiện tạm giữ phương tiện là đúng quy định”, Thượng tá Thương cho biết.
Thượng tá Thương giải thích thêm, nước Đức có tham gia Công ước giao thông đường bộ năm 1968 nên CSGT Đội Cát Lái căn cứ theo Thông tư 29 của Bộ GTVT yêu cầu phải có đủ giấy tờ mới hợp lệ. Trường hợp này, ngoài giấy phép lái xe quốc tế ra phải kèm theo giấy phép lái xe quốc gia thì mới đủ điều kiện điều khiển xe.
“Đến 16h cùng ngày, người vi phạm đến Đội CSGT Cát Lái và xuất trình thêm giấy phép lái xe quốc gia nên CSGT đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho người vi phạm lấy xe ô tô về. Lực lượng CSGT chỉ xử phạt anh T. về lỗi chạy quá tốc độ quy định”, Thượng tá Thương thông tin.
Liên quan đến những phát ngôn của cán bộ CSGT khi xử lý người vi phạm, Thượng tá Trần Văn Thương cho rằng một phần vì áp lực công việc và thái độ của người vi phạm nên cán bộ CSGT có nóng nảy không kiềm chế dẫn đến lời lẽ thiếu tế nhị, mềm mỏng. Việc này, lãnh đạo CSGT TP.HCM sẽ nhắc nhở và rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Thượng tá Thương cho biết sắp tới sẽ mời anh T. lên đối thoại với cán bộ CSGT Đội Cát Lái có liên quan trong clip nhằm làm rõ thêm vụ việc.
“Sau đó PC67 sẽ có báo cáo cụ thể lên Ban giám đốc Công an TP.HCM nhằm có hướng xử lý cụ thể. Nếu cán bộ CSGT có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định chứ không bao che”, Thượng tá Thương khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất