Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sẽ không dùng xe công đưa đón
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến vào dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Tại văn bản, Văn phòng Chính phủ thống nhất với các nội dung trong dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra và cho biết, bản thân Văn phòng Chính phủ cũng đang xây dựng phương án khoán xe ô tô đối với các chức danh thuộc Văn phòng.
Cụ thể, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 sẽ được áp dụng phương án khoán xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác nội thành, đi sân bay và đi công tác địa phương thì những vị này sẽ được Văn phòng Chính phủ bố trí xe ô tô phục vụ.
Trong khi đó, với những lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 sẽ khoán xe ô tô đi công tác nội thành và đi sân bay. Trường hợp đi công tác địa phương sẽ được Văn phòng Chính phủ bố trí xe ô tô phục vụ.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 2399/BTC-QLCS gửi các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập xin ý kiến góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 32 ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước gồm 6 chương 24 điều.
Theo đó, nhiều chức danh tại cấp bộ, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang được bố trí xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác sẽ không còn được bố trí xe phục vụ. Thay vào đó là hình thức nhận khoán kinh phí bắt buộc hàng tháng và tự bố trí phương tiện đi làm. Đồng thời, khi đi công tác, những cán bộ này có thể được chọn hình thức bố trí xe sử dụng chung của đơn vị hoặc nhận kinh phí khoán theo hình thức tự nguyện.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước) phải khoán bắt buộc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án khoán kinh phí:
Phương án 1: Đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%.
Phương án 2: Mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km hoặc xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương.
Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định. Trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh kể trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Phương án 2: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên xem xét quyết định. Khi đi công tác, các chức danh kể trên được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe, hoặc thuê xe dịch vụ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững