Giám sát đặc biệt doanh nghiệp Bộ Quốc phòng lỗ 2 năm liên tiếp
Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, bao gồm: Công ty TNHH MTV – Công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; Công ty TNHH MTV độc lập. Đồng thời, người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 TV trở lên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc giám sát tài chính đối với Công ty mẹ, Công ty TNHH MTV độc lập được thực hiện bằng phương thức giám sát trực tiếp, gián tiếp, giám sát trước, trong và sau, trong đó tập trung vào việc giám sát trực tiếp, giám sát trước và trong nhằm phát hiện kịp thời các rủi ro về tài chính, hạn chế trong quản lý tài chính của doanh nghiệp và có cảnh báo, giải pháp xử lý.
Nội dung giám sát tập trung vào: Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn; giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát kết quả hoạt động kinh doanh; giám sát chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doannh nghiệp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết; giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp; Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định.
Công ty mẹ thực hiện giám sát tài chính đối với công ty con là công ty TNHH MTV theo nội dung quy định. Công ty mẹ thực hiện giám sát tài chính công ty con, công ty liên kết bằng phương thức giám sát trực tiếp, gián tiếp, trước, trong và sau, trong đó tập trung vào giám sát gián tiếp.
Thông tư cũng nêu rõ, toàn bộ các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, bao gồm các dự án của Công ty mẹ, công ty con và dự án do Công ty mẹ và công ty con góp vốn thành lập đều được giám sát.
Thông tư cũng quy định các dấu hiệu mất an toàn tài chính của doanh nghiệp (DN) đưa doanh nghiệp vào diện giám sát tài chính đặc biệt. Theo đó, đối với DN đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, dấu hiệu mất an toàn tài chính là có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, các dấu hiệu gồm: Có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; Có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.
Bên cạnh đó, Thông tư 48/2017/TT-BQP cũng nêu rõ các dấu hiệu khác cơ quan đại diện chủ sở hữu cần kết hợp xem xét khi xác định dấu hiệu mất an toàn tài chính của DN. Cụ thể, đối với DN đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, các dấu hiệu gồm có số lỗ thực tế lớn hơn số lỗ kế hoạch trong 2 năm liền;
Đối với DN sau giai đoạn lỗ kế hoạch, các dấu hiệu gồm: Lỗ hai năm liên tiếp trở lên; Doanh thu thuần hoặc lợi nhuận gộp giảm liên tiếp 2 năm trở lên; Có hệ số tín nhiệm thấp theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín dụng; Không tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính, hoặc có ý kiến không chấp nhận, ý kiến từ chối trong Báo cáo kiểm toán, hoặc có ý kiến ngoại trừ trong Báo cáo kiểm toán trong 2 năm liền về cùng một vấn đề có ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Thông tư 48/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 20/4/2017, áp dụng cho năm tài chính 2016 trở đi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo